Các nhà cổ sinh vật học phát hiện hóa thạch của một con thằn lằn hộ pháp ở tỉnh Neuquén ở vùng Patagonia phía đông bắc Argentina, nằm trong lớp trầm tích dày mang tên thành hệ Candeleros. 24 xương sống thuộc phần đuôi, các bộ phận của xương chậu và đai chậu được cho là thuộc về thằn lằn hộ pháp thuộc nhóm khủng long chân thằn lằn với đặc trưng là kích thước lớn, cổ và đuôi dài, đứng bằng 4 chân.
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Cretaceous Research, các chuyên gia cho rằng đây là một trong những con khủng long chân thằn lằn lớn nhất từng được tìm thấy, vượt qua cả Patagotitan, loài khủng long sống cách đây 95 - 100 triệu năm có chiều dài 37,2 m. "Đó là một con khủng long khổng lồ, nhưng chúng tôi hy vọng có thể khai quật nhiều xương hơn trong các chuyến thực địa sắp tới để xác nhận nó lớn tới đâu", Alejandro Otero, nhà cổ sinh vật học ở bảo tàng La Plata, Argentina, cho biết.
Hóa thạch thằn lằn hộ pháp có ở mọi châu lục trừ Nam Cực, nhưng những loài lớn hơn 40 tấn phần lớn đều được phát hiện tại Patagonia. Nếu không phân tích xương cánh tay hoặc xương đùi của con khủng long, các chuyên gia không thể tính toán nó nặng bao nhiêu. Tuy nhiên, với một phần bộ xương đã tìm thấy, họ kết luận mẫu vật thuộc hàng lớn nhất, với khối lượng cơ thể tương đương hoặc lớn hơn khủng long Patagotitan hoặc Argentinosaurus.
Khủng long Patagotitan có thể là động vật sống trên đất liền lớn nhất hành tinh, nặng 77 tấn trong khi Argentinosaurus cũng lớn không kém, dài 40 m và nặng 110 tấn, gấp hơn 12 lần so với voi châu Phi (9 tấn). Các chuyên gia cho rằng mẫu vật cho thấy khủng long thằn lằn hộ pháp lớn tồn tại bên cạnh những loài cỡ trung bình và cỡ nhỏ vào cuối kỷ Phấn Trắng cách đây 101 triệu năm.
An Khang (Theo CNN)