Bữa tiệc nướng trên tầng thượng tòa chung cư hồi cuối năm ngoái đã kết thúc chóng vánh bằng một cuộc đấu khẩu giữa ông Alex Kim và hàng xóm. Nguyên nhân là con gái ông và các bạn chạy nhảy gây tiếng ồn.
"Đáng lẽ đó là buổi tối để tất cả mọi người thư giãn trên tầng thượng thì người hàng xóm sống ngay dưới nhà tôi xuất hiện, không cho chúng tôi trò chuyện và thậm chí còn gọi cho chủ nhà để phàn nàn", ông Kim - doanh nhân 46 tuổi, sống ở một tòa biệt thự ít tầng tại trung tâm Seoul, kể lại.
Trong bối cảnh dịch bệnh, tình trạng hàng xóm cãi nhau vì "cheung-gan so-eum", một từ tiếng Hàn được dùng để chỉ tiếng ồn giữa các tầng nhà, gia tăng do người dân ở nhà nhiều hơn. Theo báo cáo do Hội đồng môi trường Hàn Quốc công bố hồi tháng 1, vấn đề hay bị kiện nhất là chạy nhảy trên sàn nhà (61%), sau đó là kéo lê đồ đạc, đóng đinh vào tường, đóng cửa mạnh tay và mở nhạc to.
Hàn Quốc có khoảng 50 triệu dân và 60% trong số đó sống tại các tòa chung cư cao tầng hoặc biệt thự. Tuy vậy, chỉ từ năm 2005 nước này mới ra luật yêu cầu các tòa nhà có độ dày sàn ít nhất 21 cm để cách âm. Những tòa nhà xây trước đó chỉ dày 13,5 cm.
Trên các mạng xã hội Hàn Quốc ngập tràn lời than vãn về "tiếng ồn từ nhà tầng trên". Một người dùng Twitter cho biết tiếng ồn từ nhà hàng xóm khiến anh ta muốn "hét lên trần nhà". Một người khác cho hay anh ta tức giận với hàng xóm đến mức khoan một lỗ vào tường nhà mình để gây tiếng ồn "trả đũa" nhà hàng xóm đó. Một cư dân mạng khác phàn nàn về việc trẻ con sống ở tầng trên chạy nhảy hay chơi đàn piano vào sáng sớm. "Bọn trẻ gây tiếng ồn đến hơn một tiếng và tôi bắt đầu mở nhạc lớn hướng lên trần nhà", người này kể.
Người Hàn Quốc nổi tiếng là nhạy cảm với tiếng ồn từ nhà hàng xóm. Một số chuyên gia cảnh báo nghe tiếng ồn liên tục có thể dẫn đến tâm lý chán nản và chứng mất ngủ và một số vụ hàng xóm cãi nhau vì tiếng ồn đã dẫn tới các hậu quả vô cùng nặng nề.
Năm 2016, một người đàn ông 33 tuổi ở thành phố Hanam cách Seoul 21 km đã cầm dao đâm hai vợ chồng già sống ở tầng trên khiến người vợ tử vong. Trước đó, anh này đã từng than phiền về tiếng ồn phát ra từ nhà đó vào cuối tuần khi có các vụ tụ tập gia đình hay các cháu về thăm. Tuy vậy, sau khi anh này "khiếu nại" thì tình trạng ồn ào vẫn không hề thuyên giảm.
Năm 2017, một người đàn ông sống ở thành phố Pohang đã bị bắt giữ vì cố tình bóp cổ hàng xóm trong hai bên lúc cãi vã về tiếng ồn. Một người dân khác ở thành phố Gwangju thì bị bắt giữ vì phá xe của hàng xóm trong một vụ cãi nhau cũng vì nguyên nhân tương tự.
Gần đây, ở "xứ xở kim chi" đã xuất hiện trào lưu trả đũa hàng xóm vì tiếng ồn. Một số người còn mua cả "phương tiện chuyên dụng" như loa âm trầm để dội tiếng ồn ngược lên tầng trên, tra tấn lại những người hàng xóm ồn ào. Tuy nhiên, có nhiều người hàng xóm đã trả đũa quá đà.
Một cặp đôi ở thành phố Incheon đã bị tuyên án phải đền bù 29,6 triệu won (gần 620 triệu đồng) cho nhà hàng xóm ở tầng trên vì đã dùng nhiều dụng cụ tạo tiếng ồn để "tra tấn" những người này.
Các chuyên gia cho rằng chính quyền nên áp dụng thêm các chính sách về xây dựng để ngăn chặn các vụ việc tương tự. Chỉ chục năm trở lại đây, các công ty xây dựng mới bắt đầu chú ý nhiều hơn tới việc cách âm sàn nhà, ví dụ như thay thế lớp sàn gỗ mỏng manh bằng các tấm bê tông dày 25 cm hay cho thêm vật liệu khử âm cho sàn nhà.
Năm 2012, Bộ Môi trường Hàn Quốc thành lập Trung tâm quản lí tiếng ồn giữa các tầng nhà để tiếp nhận và xử lý các vụ khiếu nại về tiếng ồn do hàng xóm gây ra. Trung tâm này cũng tới tận hiện trường để tư vấn và giúp người dân đo đạc mức độ tiếng ồn.
Một đại diện của trung tâm khuyên người dân nên nói chuyện với hàng xóm của mình về vấn đề này. "Cách tốt nhất là hai bên nhượng bộ nhau. Ví dụ như nhà tầng trên đồng ý đi dép trong nhà và nhà tầng dưới đồng ý theo dõi chờ tình hình cải thiện trong vòng một đến hai tháng", người đại diện này cho biết.
Các đơn khiếu nại cũng được bộ phận an ninh của các tòa chung cư xử lí.
Lee Soo-kyung, một bà nội trợ 30 tuổi hiện đang sống ở Seoul, cho biết đội an ninh trong tòa nhà nơi chị sống sẽ công khai nhắc nhở gia đình hàng xóm nào gây tiếng ồn để họ sẽ không tiếp tục làm ảnh hưởng đến các gia đình khác.
"Bây giờ chúng tôi luôn phải sống trong căng thẳng và mọi cử động phải nhẹ nhàng. Tôi thấy bản thân đang sống như chuột ở ngay trong căn nhà mình", Lee tâm sự.
"Tôi phải thường xuyên nhắc nhở con trai mình không chạy nhảy và chỉ chơi trên thảm bởi lẽ tôi không muốn mình sẽ là người tiếp theo bị "bêu tên", chị nói.
Khánh Ngọc (Theo Straitstimes)