Anh Tony Qian ở Thượng Hải không thể tưởng tượng được việc đã bị phân chó rơi trúng khi đang đi dạo cùng vợ ở bãi cỏ bên dưới tòa chung cư 28 tầng. Khi nhìn lên để truy tìm điểm xuất phát của "vật thể lạ", anh chỉ thấy một tờ thấy vệ sinh đang là là rơi xuống và mảnh giấy đó cũng dính phân chó.
Dù vậy, Qian đã may mắn. Những năm gần đây, nhiều người từng bị thương tích nghiêm trọng, thậm chí là tử vong do trúng các đồ vật ném từ các căn hộ ở tầng cao xuống, bao gồm cả xe đạp, xe đẩy và thậm chí là dao.
Qian nỗ lực tìm thủ phạm ném phân chó, nhưng anh thất bại. Cảnh sát xác định được một hộ gia đình ở phía trên có nuôi chó, nhưng chủ nhà phủ nhận việc đã ném bất cứ thứ gì xuống. Qian không có đủ bằng chứng.
"Tôi không thể đi làm xét nghiệm DNA chỗ phân đó chỉ vì điều này", anh nói.
Theo các chuyên gia pháp lý, khó khăn trong thu thập bằng chứng, cũng như nhận thức thấp về vấn đề này khiến vấn nạn vứt rác bừa bãi từ các chung cư cao tầng ở Trung Quốc khó được cải thiện. Tháng 11/2019, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đã ban hành một văn bản đề nghị chính quyền địa phương có hình phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi này.
Theo luật hình sự Trung Quốc, những người xả rác từ tầng cao phải đối mặt với các mức án cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình nếu gây thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong, hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản công cộng hoặc tư nhân.
Tuy nhiên, hầu hết nạn nhân thường yêu cầu bồi thường thông qua thỏa thuận riêng hoặc khởi kiện dân sự. Văn phòng nghiên cứu của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đã thống kê, từ giữa năm 2016 đến 2018, các tòa án trên khắp Trung quốc đã xét xử 31 vụ án hình sự liên quan đến vật thể rơi xuống từ các tòa nhà cao tầng, một nửa số vụ đã gây chết người. Cùng thời gian, hơn 1.200 vụ án dân sự liên quan đến xả rác từ tầng cao đã được xét xử, 30% liên quan đến thương tích cá nhân.
Theo luật dân sự Trung Quốc, tất cả các chủ hộ sống trong một tòa nhà phải cùng chịu trách nhiệm trong trường hợp không thể xác định được người xả rác nhưng nó hiếm khi được thi hành. Trường hợp cuối cùng áp dụng quy định này là vào năm 2017. Quy định gây tranh cãi khi một số người nói rằng công lý không nên được thực hiện theo cách đó và rằng nó không công bằng đối với những cư dân vô tội.
Ngoài cảnh sát, Qian và vợ đã gặp đơn vị quản lý tòa nhà và liên hệ với đường dây nóng của chính quyền thành phố, để yêu cầu tìm kiếm hung thủ, nhưng không ai có thể giúp đỡ anh.
Qian sau đó đề nghị với nhà quản lý tòa nhà lắp đặt camera để giám sát các cửa sổ và ban công. Tuy nhiên, họ không đồng ý với lý do không có tiền. Ngoài ra, theo Ma Li, lãnh đạo một công ty quản lý tài sản lớn ở Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, cho biết có những lo ngại về quyền riêng tư. Theo ông Ma, hầu hết rác xả từ tầng cao xuống đều là rác thải sinh hoạt và nhiều người vô tư làm vậy khi nghĩ nó không gây thương tích.
"Chúng tôi không thể làm gì khác ngoài việc đặt nhiều áp phích cảnh báo về sự nguy hiểm và tuần tra thường xuyên hơn", ông nói.
Nhưng ngay cả khi bị phát hiện, nhiều người cũng không bị trừng phạt, đặc biệt là người già và trẻ vị thành niên. Tháng 7/2019, một cậu bé 10 tuổi ở Quý Dương, tỉnh Quý Châu, đã ném bình chữa cháy từ tầng 6 xuống, giết chết chủ cửa hàng tạp hóa ở tầng trệt. Là trẻ vị thành niên, cậu bé không phải chịu trách nhiệm hình sự.
5 tháng sau, cũng tại tòa nhà đó, một chiếc xe đẩy trẻ em rơi từ một tòa nhà cao tầng xuống, trúng vào một người phụ nữ. Cảnh sát vẫn đang điều tra xem có ai đã cố ý ném xe đẩy xuống hay không.
Sau khi Qain báo cáo việc bị phân chó rơi trúng, khu chung cư đã được tuần tra thường xuyên hơn. Quản lý tòa nhà sử dụng loa phóng thanh để cảnh báo cư dân không xả rác.
Trong thời gian đó, một người phụ nữ ở độ tuổi 70 sống ở tầng 16 đã bị bắt gặp vứt rác từ cửa sổ. Tuy nhiên, bà đã quá già nên tất cả những gì họ có thể làm là nói chuyện, yêu cầu bà ấy không làm vậy nữa.
"Nếu không thay đổi được ý thức của mọi người, việc vứt rác vẫn xảy ra dù chúng ta có lắp đặt bao nhiêu camera giám sát đi chăng nữa", Qian nói.
Ánh Dương (South China Morning Post)