Vừa có dự thảo về Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục với nội dung phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học; phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học... Tôi có ý kiến sau:
Đồng tiền không bao giờ là gốc để giải quyết thấu triệt các vấn đề về ứng xử đạo đức, nhất là ứng xử trong môi trường sư phạm. Để dung hòa, hướng đến cách ứng xử thỏa đáng, theo tôi cần xét lại từ cả 3 hướng:
Thứ nhất, về phía các thầy cô giáo: Cần hội tụ đủ chuyên môn cùng thái độ ứng xử sư phạm chuẩn mực (dựa trên nền tảng tư cách, đạo đức tốt). Một người thầy mẫu mực, tài năng thì không chỉ phụ huynh, học sinh kính trọng mà còn là tấm gương cho trò noi theo.
Thứ hai, về phía phụ huynh: Gia đình luôn là môi trường giáo dục đầu tiên của con trẻ. Cần loại trừ tâm lý nuông chiều, buông lỏng quản lý, thiếu sát sao với con em mình.
Một việc xảy đến liên quan đến trò, gia đình cần nghiêm cẩn xem xét, đảm bảo được tính khách quan để phối hợp tốt nhất trong việc giáo dục trẻ em. Tâm lý "tất cả giao phó cho nhà trường","nhà trường chịu trách nhiệm đầu tiên"... vừa thiếu khách quan, lại vô hình chung phủ nhận đi vai trò của gia đình trong việc định hình, uốn nắn con em mình.
Thứ ba, về phía các em học sinh: Các em hiện nay được tiếp cận thông tin đa diện, nhạy bén và ý thức sớm, rất cao về cái "tôi" của bản thân. Các em được quyền phản biện, lên tiếng để nói lên tâm tư, suy nghĩ của mình. Nhưng giới hạn nào giữa việc nói lên suy nghĩ của mình với sự thiếu tôn trọng là điều cần sự phân giải, chia sẻ và định hướng từ phía người lớn chúng ta.
Giáo dục là con đường chông gai, nền tảng của nó phải dựa trên tâm huyết, sự thấu cảm, định hướng và gợi mở đúng đắn. Xin đừng để đồng tiền làm "xơ cứng" mối quan hệ thầy trò vốn đầy thiêng liêng, cao đẹp.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.