-
Hiện tượng người Trung Quốc "núp bóng" người Việt mua đất
Đại biểu Dương Trung Quốc nêu thị trường bất động sản đang xuất hiện hiện tượng người nước ngoài, trong đó có người Trung Quốc "núp bóng" người Việt mua đất ở Việt Nam. "Đây là giao dịch thương mại hay là nguy cơ cho quốc gia?", ông Quốc hỏi.
Bộ trưởng Công an khẳng định, quan điểm của Việt Nam là thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực kinh doanh, trong đó có bất động sản, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Riêng với hiện tượng người Việt đứng tên cho người nước ngoài, trong đó có người Trung Quốc mua bất động sản, ông Lâm cho biết, ngành công an không coi những giao dịch này là "giao dịch thương mại bình thường"; do đó sẽ nghiên cứu để có đề xuất quản lý chặt chẽ hơn.
-
Bố trí lại những giám đốc công an tỉnh để tội phạm trên địa bàn gia tăng
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu vấn đề xử lý trách nhiệm của công an cơ sở trong việc để các vụ án ma tuý, vụ án hình sự nguy hiểm xảy ra trên địa bàn.
Bộ trưởng Công an khẳng định, từng cấp với trách nhiệm được phân công đều được xem xét, xử lý. "Vừa qua, chúng tôi đã thay đổi, bố trí lại một số giám đốc công an tỉnh để tình hình tội phạm gia tăng, thậm chí kỷ luật, điều động công tác khác", ông Lâm nói.
Đối với lực lượng chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ được phân công nhưng không làm tội phạm giảm cũng bị xử lý; các cấp công an phường, huyện với phân cấp quản lý cũng sẽ bị xử lý cụ thể.
-
Nhiều vụ ma tuý lớn do người nước ngoài cầm đầu
Trả lời chất vấn về hiện tượng "số lượng lớn ma tuý bị thẩm lậu vào Việt Nam", Bộ trưởng Công an thông tin, gần đây nhiều vụ ma tuý lớn có yếu tố nước ngoài, do người nước ngoài cầm đầu và điều hành đã bị lực lượng công an triệt phá.
Trước đây sản xuất ma tuý tập trung ở vùng Tam Giác Vàng, song gần đây tội phạm có ý định chuyển việc sản xuất, áp dụng công nghệ để tinh chế ở Việt Nam rồi tuồn ra nước ngoài. Lực lượng công an đã phát hiện và ngăn chặn ý đồ này.
-
Hơn 800 tội phạm sử dụng công nghệ cao bị khởi tố trong hơn một năm
Theo Bộ trưởng Công an, từ năm 2018 đến hết quý I/2019, cơ quan chức năng đã khởi tố gần 500 vụ, hơn 800 bị can về tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đây là tội phạm xuyên biên giới có tính nặc danh cao nên rất khó phát hiện, đấu tranh.
Nhiều tổ chức, cá nhân chưa ý thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, chủ quan với cảnh báo an ninh, an toàn mạng. Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực này còn nhiều sơ hở.
"Trình độ, năng lực cán bộ đối phó với loại tội phạm này cũng như mức đầu tư còn hạn chế", Bộ trưởng Công an cho hay.
-
Đề xuất khôi phục quy định xử lý hình sự người sử dụng ma tuý
Nêu quan điểm về việc điều 199 Bộ Luật hình sự đã bỏ quy định về xử lý hình sự người sử dụng ma tuý, Bộ trưởng Tô Lâm nói Bộ Công an sẽ đề nghị sửa đổi luật, khôi phục quy định này nhằm phòng chống ma tuý hiệu quả hơn.
"Tội phạm muốn tiêu thụ ma tuý thì phải tăng người nghiện, vì vậy, công an phải bằng mọi cách giảm số người nghiện và hình sự hoá việc sử dụng ma tuý là điều cần thiết", ông nói.
Theo Bộ trưởng Công an, lực lượng chức năng "không để vụ án xảy ra mới đến xử lý, mà công tác phòng chống, ngăn chặn, xây dựng xã hội kỷ cương an toàn, cho người dân có môi trường an lành mới là mục tiêu của ngành công an; phải xử lý, ngăn chặn tội phạm nảy sinh từ cơ sở".
-
'Mỗi bánh heroin lọt vào Việt Nam thì 10 gia đình có người đi tù'
Tiếp tục giải trình về đấu tranh phòng, chống tội ma tuý, Bộ trưởng Tô Lâm nhìn nhận, đây là loại "tội phạm của các loại tội phạm". Từ tội phạm ma tuý sẽ nảy sinh các loại tội phạm khác như giết người, cướp của.
"Mỗi bánh heroin lọt vào Việt Nam thì 10 gia đình có người đi tù, vi phạm pháp luật. Đây là loại tội phạm hết sức nguy hiểm", ông Lâm nói.
Theo ông, hiện 50% số phạm nhân trong các trại giam có liên quan tới ma tuý. Vì thế, đấu tranh trong lĩnh vực này rất quan trọng để giảm tội phạm trong nước.
Giải pháp tới đây, Bộ trưởng Công an cho biết sẽ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tội phạm ma tuý; đề nghị khôi phục lại Điều 199 Bộ luật Hình sự về tội sử dụng ma tuý.
Cùng đó, cơ quan chức năng sẽ tăng cường tuyên truyền ở cộng đồng, khu dân cư về tội phạm ma tuý.
Ngành công an cũng sẽ mở rộng phối hợp quốc tế, tăng cường triệt phá các đường dây vận chuyển ma tuý. "Kiên quyết không để hình thành các đường dây buôn bán ma tuý trong nước", Bộ trưởng Công an nhấn mạnh.
-
"Tội phạm không từ thủ đoạn nào để mua chuộc lực lượng chức năng"
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về việc hoành hành của các băng nhóm, trong đó có sự bảo kê, bao che của một số cán bộ công an thoái hoá biến chất, Bộ trưởng Công an cho hay, tội phạm đang không từ thủ đoạn nào để tấn công, vô hiệu hoá lực lượng công an, từ làm quen, dụ dỗ mua chuộc, không được thì tấn công đe doạ, bôi nhọ, vu khống, không chỉ chiến sĩ công an mà còn gia đình, người thân của họ.
"Quá trình đó, có chiến sĩ không chịu được đã mất phẩm chất, có quan hệ, thậm chí làm ngơ cho tội phạm, bảo kê, hợp tác với tội phạm", ông Lâm nói và cho biết, chủ trương của Đảng, Nhà nước là kiên quyết loại bỏ những cán bộ như vậy, nhưng cũng phải bảo vệ cán bộ bị vu khống xuyên tạc.
Theo Bộ trưởng, vừa qua, các cán bộ công an vi phạm đã bị xử lý nghiêm, từ hành chính đến hình sự, "không có vùng cấm, bất kể cấp nào". "Chúng tôi kiên quyết chống bảo kê để khôi phục lòng tin đối với ngành công an", ông Tô Lâm nhấn mạnh.
-
Kỷ luật cán bộ Viện Kiểm sát Chương Mỹ trong vụ "hiếp dâm bé gái 9 tuổi"
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề cập tới vụ án hiếp dâm bé gái 9 tuổi xảy ra tháng 2/2019 tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Lúc đầu cơ quan điều tra huyện ra quyết định khởi tố tội dâm ô với bị can dù dấu hiệu tội hiếp dâm rõ ràng. Sau đó nhờ dư luận vào cuộc, cơ quan thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, bắt tạm giam.
"Xảy ra tình trạng này là do sợ bị oan sai, Viện kiểm soát quá thận trọng hay còn yếu về nghiệp vụ?", bà Hoa nêu và cũng chuyển câu hỏi này tới Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí.
Ông Lê Minh Trí nói, trong vụ án hiếp dâm bé gái ở Chương Mỹ, lúc đầu cơ quan điều tra đề nghị Viện Kiểm sát huyện Chương Mỹ phê chuẩn tội dâm ô và Viện Kiểm sát huyện đã đồng ý, phê chuẩn theo hướng này. Tuy nhiên, sau khi dư luận phản ánh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã yêu cầu Viện Kiểm sát TP Hà Nội kiểm tra sự việc, chỉ đạo Viện Kiểm sát huyện Chương Mỹ yêu cầu phục hồi trở lại, khởi tố và phê chuẩn theo tội hiếp dâm trẻ em.
Ông Lê Minh Trí cũng thông tin, đã chỉ đạo kỷ luật Phó viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Chương Mỹ và kiểm sát viên thụ lý vụ án này do "đây là loại tội phạm xã hội đang gây bức xúc và qua giám định thương tích của cháu bé khá rõ". Hiện vụ án đang trong quá trình thụ lý theo quy định pháp luật.
-
Thống kê người tử vong do tai nạn giao thông của Bộ Công an chỉ bằng 1/2 Bộ Y tế
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) chất vấn về sự chênh lệch số liệu tử vong do tai nạn giao thông giữa Bộ Công an và Bộ Y tế. Cụ thể, thống kê của Bộ Công an chỉ bằng 1/2 so với thống kê của Bộ Y tế, bằng 1/3 của Tổ chức Y tế thế giới.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm giải thích, số liệu người chết do tai nạn giao thông của ngành công an chủ yếu là thống kê ở hiện trường, nơi xảy ra vụ tai nạn, còn thống kê của Bộ Y tế có cả người bị thương nặng khi tai nạn giao thông, lúc vào viện mới tử vong, điều này đã dẫn đến sự chênh lệch.
Đại biểu Phạm Văn Hoà giơ biển tranh luận vì cho rằng trả lời của Bộ trưởng Công an không thuyết phục.
"Số người chết tại hiện trường và ở bệnh viện đều do tai nạn giao thông nên không thể có cách thống kê khác nhau. Số liệu Bộ Công an cung cấp chỉ 8.900 người chết vì tai nạn giao thông trong khi thống kê của Bộ Y tế là 15.000", ông Hoà nêu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, sự chênh lệch số liệu do cách thống kê, do vậy đề nghị các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến đại biểu để khắc phục.
-
Bộ Công an mở rộng điều tra hành vi 'phụ huynh đưa tiền nhờ can thiệp điểm thi'
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường quan tâm tới tiến độ xử lý, điều tra vụ án gian lận điểm thi, gian lận thi cử THPT năm 2018 "hiện tới đâu và làm sao không bỏ lọt tội phạm?". Ông Cường cũng đặt câu hỏi về quá trình điều tra, làm rõ hành vi "đưa tiền cho bị can của các phụ huynh".
Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, liên quan đến gian lận thi cử ở các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hoà Bình, lực lượng chức năng đã điều tra 3 vụ, 16 bị can. Kết quả điều tra đủ căn cứ kết luận hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhiệm vụ được giao, can thiệp sửa chữa nâng điểm cho thí sinh. Qua điều tra cũng xác định 214 thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi, trong đó Hoà Bình 66 thí sinh, Hà Giang 107 và Sơn La là 44.
Theo ông Tô Lâm, trước mắt để đảm bảo điều tra đúng thời hạn, cơ quan điều tra đề nghị truy tố các bị can đã xác định rõ hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhiệm vụ được giao; còn việc "các phụ huynh đưa, nhận tiền đang được tiếp tục điều tra, củng cố chứng cứ". Ông cũng khẳng định sẽ công bố sau khi có kết luận điều tra.