Sáng 4/6, phiên chất vấn ở Quốc hội bắt đầu với nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền trả lời của Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm. Hàng loạt vấn đề nóng được đại biểu đặt ra, trong đó có việc tội phạm ma tuý tăng nhanh và nỗi lo Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma tuý.
Đại tướng Tô Lâm khẳng định, thời gian qua, Việt Nam đã dành nhiều nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm ma tuý. Quốc hội cũng thông qua luật với hình phạt rất nghiêm khắc cho loại tội phạm này với 9/13 hình phạt ở khung cao nhất (tử hình).
Từ năm 2018, công an đã ngăn chặn các vụ vận chuyển ma tuý qua Tây Bắc gồm các tỉnh Điện Biên, Hoà Bình, Sơn La khiến tội phạm phải chuyển hướng hoạt động vào miền Trung, miền Nam. Mặc dù vừa qua lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ một số vụ án ma tuý "lớn chưa từng có", nhưng nguy cơ loại tội phạm này phát triển vẫn hiện hữu. Việc bắt giữ hàng tấn ma tuý nhưng giá ma tuý trong nước chưa cao là cơ sở để thấy rằng nguồn cung từ nước ngoài vào chưa được ngăn chặn triệt để.
"Nếu ngăn chặn tốt ma tuý từ nước ngoài vào thì giá sẽ cao lên, kích thích tội phạm vì lợi nhuận manh động hơn nữa. Khi đó, người nghiện cần tiền mua ma tuý, giá cao lên thì họ sẽ trộm cắp, thậm chí cướp của, giết người tăng cao. Tuy nhiên, công an đánh án hàng tấn như vậy mà giá ma tuý trong nước chưa tăng cao, chứng tỏ nguồn cung vào nước ta vẫn phức tạp", Bộ trưởng Lâm nói.
Lãnh đạo Bộ Công an giải thích thêm, sở dĩ có thực trạng trên vì Việt Nam đang phải chịu áp lực ma tuý từ nước ngoài vào rất lớn. Từ khu vực Tam Giác Vàng đến Việt Nam chỉ 500 km; điều kiện đất nước mở cửa để phát triển kinh tế cũng là cơ sở để tội phạm lợi dụng đưa ma tuý vào Việt Nam. Ngoài ra, đường biên giới Việt Nam rất dài khiến việc kiểm soát khó khăn. Hiện cơ quan chức năng mới kiểm soát ở các cửa khẩu, còn các lối mòn thì chưa thể kiểm soát hết.
"Mỗi bánh heroin lọt vào Việt Nam thì 10 gia đình có người đi tù, vi phạm pháp luật. Đây là loại tội phạm hết sức nguy hiểm, tội phạm của các loại tội phạm", ông Lâm nói và cho biết, hiện 50% số phạm nhân trong các trại giam có liên quan tới ma tuý. Vì thế, đấu tranh trong lĩnh vực này rất quan trọng để giảm tội phạm trong nước.
"Chúng tôi đang xây dựng cơ chế phối hợp mới để đấu tranh với tội phạm ma tuý tốt hơn, đồng thời đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tội phạm ma tuý; đề nghị khôi phục lại Điều 199 Bộ luật Hình sự về xử lý hình sự tội sử dụng ma tuý", bộ trưởng Tô Lâm nói.
Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ tăng cường tuyên truyền ở cộng đồng, khu dân cư về tội phạm ma tuý; mở rộng phối hợp quốc tế, tăng cường triệt phá các đường dây vận chuyển ma tuý.
Trước tình trạng ở một số địa phương, các vụ án ma tuý, hình sự nguy hiểm liên tục xảy ra, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chất vấn: "Việc xử lý trách nhiệm của công an cơ sở được thực hiện thế nào?".
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Công an khẳng định, mỗi cấp với trách nhiệm được phân công đều được xem xét, xử lý. Cụ thể, ngành đã thay đổi, bố trí lại một số giám đốc công an tỉnh để tình hình tội phạm gia tăng, thậm chí kỷ luật, điều động công tác khác; đối với lực lượng chuyên ngành, quá trình hoạt động không làm tội phạm giảm cũng bị xử lý.
"Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, chúng tôi hoàn toàn có thể ngăn chặn tội phạm ma tuý, không để Việt Nam thành địa bàn trung chuyển", Bộ trưởng Công an khẳng định.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, phòng chống ma tuý là cuộc chiến gian khổ, khốc liệt; đấu tranh với loại tội phạm này không chỉ của ngành công an mà cả xã hội, gia đình.
Nhắc tới một cán bộ chiến sĩ biên phòng vừa hy sinh trong quá trình bắt giữ tội phạm ma tuý vào hôm qua, Chủ tịch Quốc hội nói, vừa qua ngành công an, biên phòng đã phối hợp rất tốt, ngăn chặn và phát hiện nhiều vụ ma tuý. "Nếu không phát hiện được thì lượng ma tuý này sẽ gây tác hại rất lớn tới từng gia đình, thế hệ trẻ", bà Ngân nói.
Phiên chất vấn tiếp tục trong chiều nay.
Hoàng Thuỳ - Anh Minh
Xem diễn biến chính