Sau 5 tháng, Việt Nam đã phát hiện, thu giữ bốn tấn ma tuý tổng hợp, hơn 1.000 bánh heroin - cao gấp ba lần số ma tuý bị thu giữ của cả năm 2018. Ngày 18/5, đại tá Vũ Văn Hậu (Cục phó Cảnh sát điều tra về tội phạm ma tuý, Bộ Công an) đã trả lời về vấn đề này.
- Có ý kiến cho rằng trước đây cảnh sát chưa làm mạnh tay nên không phá được những vụ án ma túy lớn như thời gian vừa qua. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
- Năm 2018 và các năm trước chúng tôi cũng phá liên tiếp các vụ án ma tuý lớn, có thể kể tới như vụ 180 bánh heroin ở Quảng Bình, 199 bánh heroin ở Hà Tĩnh và có vụ lên tới 500 bánh heroin, tuy nhiên mức độ không lớn và không liên tiếp như nửa năm trở lại đây.
Theo tôi, việc bắt giữ, thu cả tấn ma tuý tổng hợp, hàng nghìn bánh heroin không có gì bất ngờ và khó hiểu. Các nước Mexico, Colombia từng bắt giữ một lúc tới vài tấn ma tuý nên đơn vị đánh giá rằng một ngày không xa "vòi bạch tuộc ma tuý" này sẽ đến Việt Nam. Và Việt Nam đã thành một địa điểm trung chuyển trong hành trình vận chuyển ma tuý số lượng lớn của các đường dây quốc tế.
- Theo ông, tại sao tội phạm ma túy quốc tế lại chọn Việt Nam và đặc biệt là khu vực miền Trung, TP HCM làm điểm trung chuyển?
- Có nhiều nguyên nhân, thứ nhất, do địa bàn ở miền núi phía Bắc thời gian qua bị triệt phá liên tiếp, nhiều ông trùm bị bắt nên tội phạm ma tuý chuyển dần vào khu vực phía Nam qua các cửa khẩu và đường tiểu ngạch.
Ngoài ra, TP HCM là nơi phát triển kinh tế năng động, có quan hệ kinh doanh buôn bán dễ hơn. Từ TP HCM đi Đài Loan, Philippines rất thuận lợi qua đường biển.
Lợi dụng kẽ hở về chính sách hải quan thông thoáng ở những địa bàn này, các đường dây ma tuý mượn danh các công ty uy tín, lập công ty "ma" để xuất khẩu hàng hóa giấu ma túy bên trong các container thực phẩm rồi nhập qua luồng xanh (miễn kiểm tra hải quan) để xuất sang nước thứ ba. Đây là vấn đề khiến chúng tôi trăn trở và đang phải bàn giải pháp cụ thể để phối hợp giữa các bên liên quan ngăn chặn tội phạm ma tuý.
Trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng cần phải có cơ chế, phương tiện kỹ thuật hiện đại cho hải quan để làm sao phát hiện được các cơ sở kinh doanh, xuất nhập khẩu vi phạm trước khi các loại hàng hóa được hàn kín trong container.
- Gần đây tang vật thu giữ chủ yếu là ma tuý tổng hợp, cơ quan điều tra có nghi vấn gì về việc đang tồn tại những lò sản xuất loại này ở Việt Nam?
- Chúng tôi cũng đang đi tìm lời giải. Trước kia khi nói đến ma tuý là nhắc tới thuốc phiện, cần sa, heroin... nhưng xu hướng sử dụng trên thế giới lại đang chuyển "loại tổng hợp" vì giá rẻ, dễ sử dụng, điều chế.
Chúng tôi từng chứng minh được nguồn ma tuý tổng hợp từ Thái Lan vào Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn cần tìm hiểu có hay không việc chế biến, sản xuất ma tuý ở Việt Nam.
- Nhiều chủ mưu các đường dây là người nước ngoài, cơ quan điều tra gặp khó khăn gì khi xử lý?
- Tại ở TP HCM, một số người nước ngoài vào Việt Nam lập công ty, thuê cơ sở sản xuất kinh doanh để ngụy trang mua bán ma tuý nên việc đấu tranh phát hiện rất khó khăn. Thậm chí việc xét xử, xử lý cũng vướng những rào cản pháp lý do nhiều nước chưa ký hiệp ước tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm với Việt Nam.
Để tháo gỡ việc này, lãnh đạo Bộ Công an đã cho phép tổ chức các Hội nghị đa phương, song phương với các nước láng giềng, bạn bè quốc tế cùng chung tay, đồng loạt tấn công các đối tượng người nước ngoài buôn bán, vận chuyển ma tuý thuận lợi hơn.
Hiện nay, các tổ chức quốc tế về phòng chống ma tuý của Liên Hợp Quốc, của Mỹ tại Việt Nam cũng rất ủng hộ và đã có chương trình, kế hoạch phối hợp cao điểm tấn công tội phạm. Tuy nhiên việc đấu tranh với tội phạm ma tuý trong nước vẫn cần sức của chúng ta là chính, hỗ trợ của nước bạn chỉ khi nào cần thiết.
- Cục có biện pháp gì để ngăn ma tuý vào Việt Nam?
- Lãnh đạo Bộ Công an đã phê duyệt chương trình, kế hoạch về phòng chống, điều tra tội phạm ma tuý trong thời gian tới với những nội dung như tham mưu cấp trên có nghiên cứu sửa đổi bổ sung tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho việc đấu tranh phòng chống tội phạm ma tuý; huy động sức mạnh của toàn xã hội, phải có giải pháp xã hội, căn cơ từ gốc, không chỉ từ việc bắt bớ.
Chúng tôi cũng sẽ tập trung vào các giải pháp xử lý nguồn cung, cầu; có những chính sách để đảm bảo an sinh, xã hội, để người dân không còn vì lòng tham mà đi vận chuyển ma tuý.
Trách nhiệm quan trọng hơn nữa cũng thuộc về chính quyền, địa phương phải tạo ra bức tường ngăn chặn nguồn ma tuý vào trong nước qua biên giới, cửa khẩu và đường tiểu ngạch. Đặc biệt, sẽ tập trung vô hiệu hóa tụ điểm mua bán sử dụng ma tuý vì đây là cầu nối giữa người nghiện và người buôn bán ma tuý.