Luật sư Bùi Phan Anh (Công ty Luật Sen Vàng) cho rằng với những dữ liệu trên, anh Trường đã sai lầm không sang tên sổ đỏ khi bố mẹ còn sống hoặc đề nghị họ lập di chúc.
Bố mẹ anh Trường dù có nói với các con cùng họ hàng việc cho anh mảnh đất nhưng đây không phải di chúc bằng văn bản được công chứng, chứng thực hoặc làm chứng theo quy định.
Di chúc miệng cũng khó được công nhận bởi Điều 629 Bộ luật dân sự quy định nó chỉ được lập trong khi "một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản". Sau 3 tháng, người lập di chúc vẫn sống minh mẫn, di chúc miệng này "mặc nhiên bị hủy bỏ". Do đó, lời nói của bố mẹ anh lúc còn sống không phải di chúc.
Nếu các cụ nhắc lại việc cho anh mảnh đất trước khi mất 3 tháng; sự việc có ít nhất 2 người làm chứng ghi chép lại, mang đi công chứng hoặc chứng thực trong vòng 5 ngày mới được công nhận là di chúc hợp pháp. Lúc này, anh Trường đương nhiên được hưởng khu đất đang sinh sống.
Không đáp ứng các điều kiện trên, anh Trường cần thu thập tài liệu, chứng minh bất động sản anh trai mình "đang ở trong ngõ" cũng được bố mẹ cho. Đồng thời, anh nên tìm những họ hàng chứng kiến bố mẹ từng nhiều lần thống nhất anh được sở hữu căn nhà hiện tại, đề nghị họ lập biên bản xác nhận. Các tài liệu này sẽ là căn cứ để trình bày trước tòa.
Nên nhờ họ hàng làm chứng khi hầu tòa nhằm chứng minh bố mẹ có ý chí cho các con mỗi người một mảnh đất. Áp lực gia đình, họ hàng về mặt tình cảm cũng có thể khiến người anh trai rút ý định tranh chấp để tránh "mang tiếng xấu tham lam".
Theo luật sư, nếu không muốn ra tòa, anh Trường có thể thương lượng với anh trai, chấp nhận trả một khoản tiền để có thể giữ nguyên vẹn tài sản của mình. Khi đó, các bên phải làm văn bản thống nhất không tranh chấp và anh Trường cần chuyển sổ đỏ sang tên mình sớm nhất.
Song Minh