Luật sư tư vấn
Theo quy định của pháp luật về thừa kế, bạn và em trai phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế, đăng ký biến động (sang tên) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ bố bạn sang cho anh em bạn, không phân biệt có di chúc hay không. Sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, anh em bạn mới có thể liên hệ với ngân hàng để thế chấp.
Tuy nhiên, khi khai nhận thừa kế ở tổ chức công chứng, bạn cần lưu ý trường hợp người được hưởng thừa kế mà không phụ thuộc vào di chúc.
Cụ thể, theo điều 644 Bộ luật Dân sự, những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng.
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Do vậy, nếu bố bạn có di chúc và chỉ định anh em bạn được thừa kế thửa đất nhưng có người thuộc diện hưởng thừa kế mà không phụ thuộc vào di chúc của bố bạn thì những người này cũng vẫn được hưởng thừa kế theo quy định nói trên và việc khai nhận thừa kế phải có sự tham gia của họ.
Khi khai nhận thừa kế, những người này có thể từ chối hưởng di sản, nếu việc đó là tự nguyện và không nhằm trốn tránh nghĩa vụ dân sự đối với người khác.
Trường hợp không để lại di chúc, tất cả người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn phải tham gia việc khai nhận di sản thừa kế. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của bố bạn.
Khi thực hiện thủ tục khai nhận thừa kế, người khai nhận phải xuất trình các giấy tờ sau: phiếu yêu cầu công chứng; di chúc; giấy chứng tử; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy tờ tùy thân của người thừa kế (chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu,...) và những giấy tờ khác (giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh...).
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội