"Tôi không loại trừ khả năng nào, vì chúng ta đang đối mặt với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người cũng không loại trừ bất cứ điều gì. Nhiều nước đã hiểu chính sách của Pháp và đồng tình với quan điểm của chúng tôi", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói trong cuộc phỏng vấn công bố hôm 2/5, khi được hỏi liệu ông có giữ nguyên quan điểm về khả năng điều binh sĩ Pháp đến Ukraine hay không.
Ông chủ Điện Elysee nhấn mạnh những tuyên bố về triển khai binh sĩ đến Ukraine là "hồi chuông cảnh tỉnh chiến lược" với các lãnh đạo phương Tây, nhằm đối phó với nguy cơ Nga tiến xa hơn nếu đạt được mục tiêu chiến dịch ở Ukraine.
"Nếu Nga sắp chọc thủng phòng tuyến và phía Ukraine đưa ra yêu cầu hỗ trợ, chúng tôi sẽ phải tự hỏi mình về vấn đề này", Tổng thống Macron nói, đề cập đến điều kiện tiên quyết để điều quân đến Ukraine. "Tuy nhiên, đó là điều chưa diễn ra vào lúc này".
Sau chiến dịch phản công thất bại hồi năm ngoái, quân đội Ukraine đang lui về bảo vệ phòng tuyến dài gần 2.000 km dọc chiến tuyến, nhằm ngăn lực lượng Nga phản công. Các đơn vị Nga gần đây gia tăng áp lực lên một số điểm trên phòng tuyến Ukraine, đặc biệt là ở khu vực miền đông và tỉnh Kharkov ở đông bắc, nhưng chưa chọc thủng được hàng rào phòng thủ này.
Ông Macron đề cập tới tiền lệ Pháp từng cử quân tham gia chiến dịch chống các nhóm khủng bố tại vùng Sahel sau khi nhận được đề nghị giúp đỡ từ một số nước châu Phi.
"Phản ứng của Moskva với những phát biểu của tôi cho thấy động thái này đã mang lại hiệu quả như mong muốn, đó là phát thông điệp 'chúng tôi sẽ không ngồi yên nếu Nga định tiến xa hơn'", Tổng thống Pháp cho hay.
Ông cho rằng phương Tây cần duy trì hỗ trợ và bảo đảm Ukraine có biện pháp ứng phó lực lượng Nga, đồng thời duy trì năng lực răn đe bằng cách bảo đảm sự mơ hồ nhất định, không để lộ toàn bộ tính toán và phương án hành động trong tương lai.
"Tôi có mục tiêu chiến lược rất rõ ràng, đó là Nga không được phép chiến thắng ở Ukraine. An ninh châu Âu sẽ bị đe dọa nếu điều này xảy ra. Chúng ta không được phép loại bỏ bất kỳ phương án nào, vì mục tiêu là bảo đảm Nga không bao giờ giành chiến thắng trước Ukraine", ông nói thêm.
Sau cuộc họp của khoảng 20 lãnh đạo châu Âu tại Paris ngày 26/2, Tổng thống Macron khiến đồng minh phương Tây ngạc nhiên khi tuyên bố các bên "thảo luận cởi mở, thẳng thắn" và "không loại trừ khả năng phương Tây đưa quân tới Ukraine".
Ý tưởng đưa quân đến Ukraine vốn là điều cấm kỵ, đặc biệt khi NATO tìm cách tránh bị kéo vào cuộc chiến rộng hơn với Nga, quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Mỹ, Đức, Anh, Ba Lan, Cộng hòa Czech và nhiều nước châu Âu tuyên bố không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine. Lãnh đạo các nước cho biết không muốn lực lượng của mình tham gia trực tiếp vào cuộc chiến, cũng như không muốn đụng độ trực tiếp với Nga.
Điện Kremlin cảnh báo phương Tây điều quân tới Ukraine sẽ dẫn tới nguy cơ đối đầu trực tiếp "không thể tránh khỏi" giữa NATO với Nga. "Các nước NATO phải đánh giá và nhận thức rõ hậu quả của động thái như vậy", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố.
Vũ Anh (Theo Economist)