Vụ việc "drama tình ái" của một streamer, trong mỗi buổi "chất vấn", lượt xem livestream như sóng cuộn. Rồi khi những cô gái - trong "hội người yêu cũ" xuất hiện và đặt câu hỏi, con số ấy vọt lên 4,8 triệu lượt xem, với đỉnh điểm 1,6 triệu tài khoản xem cùng lúc. Đó là chưa kể hàng nghìn bài post bàn tán trên các fanpages...
Nhưng rồi, khi tất cả khép lại, ai nhận được gì từ cuộc tranh cãi này?
Các cô gái - "hội người yêu cũ" vẫn tiếp tục là những TikToker với những video triệu view hoặc là rapper có bài nhạc chục triệu views, streamer lại càng không hề thiệt thòi, chẳng mất mát gì khi bị chỉ trích, khi lượng donate từ nghề livestream vẫn đều đặn chảy vào túi.
Chỉ có khán giả nhiệt tình hóng drama là những người lặng lẽ rời đi, có chút hụt hẫng, có chút tiếc nuối, có khi lại tự hỏi: "Mình vừa tốn mấy tiếng đồng hồ để làm gì?". Đặc biệt là những người đã mạnh tay mua gói bình luận tháng 135.000 đồng chỉ để có quyền lên tiếng bình luận trong mỗi phiên live của drama này.
Trước đây, khi có bê bối, KOL mất người theo dõi, bị tẩy chay. Thì bây giờ, bê bối như một cánh diều, nâng những người trong cuộc lên cao hơn. Thật là một nghịch lý lạ lùng.
Nhìn sâu hơn, khán giả không chỉ là người tiêu thụ nội dung, mà còn là những người góp phần làm cho nó lan rộng.
Càng nhiều người bức xúc, càng nhiều lượt xem, thuật toán càng đề xuất. Người xem nghĩ mình đang trút giận hay xem cho biết, nhưng thực chất lại đang giúp nội dung tiếp tục bùng nổ.
Những câu bình luận chỉ trích tưởng như là vũ khí chống lại "kẻ xấu", nhưng rốt cuộc, chính họ đang biến nhân vật chính trở thành người hưởng lợi lớn nhất. Để rồi cuối cùng, streamer vẫn kiếm hàng trăm triệu đồng, còn những người ngồi xem drama lại chỉ còn lại một cơn "say" mạng xã hội mà chẳng biết mình đang theo đuổi điều gì.
Trước đó, khi nam tài tử xứ Hàn Kim Soo Hyun vướng vào những tin đồn tình ái, nhiều người ở Việt Nam cũng lao vào bàn tán ồn ào.
Một scandal tình cảm từ đâu đó bỗng chốc trở thành đề tài được bàn luận khắp nơi, từ những group nhỏ lẻ của nhóm bạn, đồng nghiệp hay đến những fanpage ăn theo.
Phải chăng, chúng ta đang quá rảnh rỗi, hay là chúng ta thích cảm giác được đứng trên "tòa án dư luận", để phán xét, để chỉ trích và để cảm thấy bản thân có giá trị hơn khi đặt ai đó vào thế tội đồ?
Suy cho cùng, chuyện thị phi vốn chẳng bao giờ thiếu. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ: Chúng ta có cần phải dốc quá nhiều thời gian và cảm xúc vào những cuộc tranh luận mà rốt cuộc không liên quan đến mình hay không?
K.T