Xung quanh việc CLB Hà Nội bị treo sân hết mùa V-League vì để CĐV đốt pháo sáng, độc giả MR T cho rằng điều quan trọng nhất không phải hình thức xử phạt mà là các biện pháp để ngăn chặn pháo sáng trước khi chúng được đốt lên:
Vấn đề không nằm ở án phạt bao nhiêu hay mức độ nặng nhẹ mà nó mang lại. Quan trọng là giải pháp để ngăn chặn tình trạng đốt pháo sáng có tái diễn hay không? Thay vì chỉ rút kinh nghiệm và nộp phạt thì tại sao không dùng số tiền đó để mua các trang thiết bị như cổng từ và tăng cường lực lượng an ninh như ở sân bay? Trước trận, tại sao người của BTC không gặp gỡ người đứng đầu của hội CĐV để trao đổi và cam kết không có pháo sáng? Nếu ai làm sai thì phạt thật nặng và từ chối cho vào sân hết mùa.
Vấn đề tiếp theo là có hay không có người trà trộn vào hội CĐV của mình để phá hoại? Cái này thật ra rất đơn giản vì CĐV thường đi theo hội nhóm và người lạ vào họ biết ngay, cái chính là họ có dũng cảm tố cáo phần tử xấu với cảnh sát ngồi cùng trên sân không thôi. Vấn đề cuối cùng nhưng quan trọng nhất là ý thức của con người bởi vì dù có đưa ra nhiều giải pháp an ninh nhưng nếu họ muốn phá hoại thì có hàng trăm kế sách để đối phó.
Do vậy, muốn không còn nhìn thấy những cảnh đau thương như CĐV nữ kia thì mong tất cả mọi người tự ý thức được trách nhiệm của mình khi đến sân xem bóng đá. Xin hãy nói không với pháo sáng.
Cùng chung quan điểm trên, độc giả Huy nguyễn ngọc chia sẻ giải pháp ngăn chặn vấn nạn pháo sáng:
Tại sao VPF quy định đủ luật trong quy chế bóng đá chuyên nghiệp mà tại sao không quy định trong tiêu chuẩn cơ sở vật chất? Với sân thi đấu ở giải chuyên nghiệp, buộc phải lắp đặt hệ thống camera giám sát 24/24 khi trận đấu diễn ra. Riêng sân có mái che toàn sân, hay mái che một phần thì hệ thống camera được lắp đặt rìa ngoài cùng của mái che, theo chiều từ sân đấu hướng trực tiếp lên khán đài. Còn khu vực không có mái che, thì ban tổ chức sân đấu buộc phải lắp hệ thống cáp treo hoặc trụ (nếu không vướng tầm nhìn), để lắp đặt camera cũng theo chiều lên khán đài. Không được lắp theo phương ngang và từ trên xuống sân đấu, và đảm bảo không để có vùng chết nào không kiểm soát được trên khán đài.
Khi đó, BTC sân phải có đội giám sát hình ảnh và nếu nhận thấy có khả năng xung đột, quá khích thì sẽ liên hệ liền với nhân viên an ninh và điều lên ngay khu vực nóng đó. Nếu làm được như vậy thì khả năng để xảy ra sự việc như sân Hàng Đẫy là rất khó, và nếu đã xảy ra đi nữa thì sẽ dễ dàng kiểm tra hình ảnh, xác định chính xác ai đã thực hiện và giao cho cơ quan có trách nhiệm xử lý.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.