Quân đội Mỹ và Philippines ngày 13/10 bắt đầu diễn tập bắn đạn thật mang tên Kamandag tại thao trường trong thung lũng gần thị trấn Capas, phía bắc thủ đô Manila. 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ và Philippines tham dự cuộc diễn tập với khoa mục đổ bộ tấn công và chiến thuật hiệp đồng phòng thủ bờ biển.
Trong cuộc diễn tập, các Tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) của Mỹ khai hỏa nhằm vào mục tiêu giả định, trong khi tiêm kích tàng hình F-35 bay trên bầu trời. Động thái này được đánh giá là màn phô diễn những loại hỏa lực hiện đại của Mỹ tại khu vực.
Trung tá thủy quân lục chiến Kurt Stahl cho biết cuộc diễn tập "là cơ hội quan trọng để tập hợp năng lực cùng nhân sự của Mỹ và Philippines, nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu". Theo ông, diễn tập Kamandag được tổ chức theo kế hoạch thường niên và không nhằm vào bất cứ quốc gia nào.
Diễn tập Kamandag tại Philippines diễn ra song song với diễn tập của thủy quân lục chiến Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (JGSDF) trên đảo Hokkaido, miền bắc Nhật Bản, với 3.000 binh sĩ tham gia.
Thiếu tướng Jay Bargeron, thuộc sư đoàn thủy quân lục chiến số 3 đóng tại Nhật Bản, nhận định các cuộc diễn tập đồng thời này nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của Mỹ với các đồng minh Nhật và Philippines, đồng thời đảm bảo rằng "chúng tôi sẵn sàng nhanh chóng ứng phó với khủng hoảng trong toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Diễn tập Kamandag là hoạt động huấn luyện quy mô lớn đầu tiên theo hiệp ước đồng minh Mỹ - Philippines sau khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nhậm chức. Người tiền nhiệm của ông Marcos là cựu tổng thống Rodrigo Duterte thường chỉ trích các chính sách an ninh của Mỹ, đồng thời xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc và Nga.
Tổ hợp HIMARS có thể phóng rocket dẫn đường bằng GPS hoặc tên lửa. Tùy vào loại đạn và cấu hình, HIMARS có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách tới 300 km. Bệ phóng HIMARS được đặt trên khung thân xe tải bọc thép bánh lốp, có thể đạt tốc độ tối đa 85 km/h và nhanh chóng rời khỏi vị trí khai hỏa để tránh bị phản pháo.
Pháo HIMARS có thể tập kích các mục tiêu quan trọng như hệ thống thông tin liên lạc hoặc radar đối phương. Ngoài ra, HIMARS có thể dùng để ngăn lực lượng đối phương "kiểm soát một phần bờ biển", trung tá Stahl cho biết.
Nguyễn Tiến (Theo AP)