Đầu tháng 6, CEO Apple Tim Cook thông báo sau một năm khó khăn vì làm việc từ xa, công ty sẽ dần mở lại các văn phòng. Từ tháng 9, nhân viên được yêu cầu trở lại làm việc trực tiếp ba ngày một tuần. Ngay lập tức, chính sách này bị nhiều người phản đối. Thậm chí, nhóm Slack ủng hộ làm việc từ xa, được tạo ra vào tháng 9/2020, đã thu hút 2.800 thành viên mới với các cuộc bàn luận ngày càng sôi nổi.
Cuộc đấu tranh trên cho thấy sự thay đổi sâu sắc đang diễn ra bên trong công ty. Kể từ năm 1976 đến nay, Apple luôn hoạt động theo cùng một kiểu: các giám đốc điều hành ra quyết định về cách thức hoạt động, nhân viên nghe theo hoặc rời khỏi công ty. Họ không có bất kỳ lựa chọn nào khác.
Tuy nhiên, thời gian qua, văn hóa đó bắt đầu mất tác dụng khi người lao động trong ngành công nghệ đòi hỏi nhiều quyền hơn. Ngày càng có nhiều nhân viên đứng ra tổ chức các phòng trào cải cách nội bộ và phản ánh về điều kiện làm việc trên Twitter.
Jason Snell, cựu biên tập viên Macworld và từng làm việc cho Apple từ những năm 1990, cho biết: "Đang có sự thay đổi trong cán cân quyền lực ở đây. Không phải ai cũng sợ bị sếp Apple sa thải như trước".
Thay đổi này bắt đầu khi hãng tiến hành sử dụng công cụ nội bộ Slack. Trước đây, nhân viên hãng làm việc trong các dự án bí mật, ít có cơ hội gặp gỡ người ngoài dự án hoặc bộ phận. Với Slack, họ có thêm một kênh để giao tiếp với bất kỳ ai trong công ty và từ đó nhận ra bên trong chứa đầy những tiêu cực và bất bình đẳng.
Một số nhân viên muốn công ty đầu tư bảo vệ quyền riêng tư của họ tốt hơn. Số khác muốn minh bạch về số tiền mọi người được trả. Nhiều người lại cảm thấy Apple không khả năng giải quyết các mối quan tâm của nhân viên tại nơi làm việc.
Khi kỹ sư phần mềm Kate Rotondo gia nhập Apple, cô ngạc nhiên thấy người quản lý làm việc từ xa hoàn toàn. Ba thành viên khác trong nhóm, đều là nam giới, cũng vậy. Cô là người duy nhất được yêu cầu phải tới văn phòng. Không chỉ vậy, Rotondo phát hiện cô được trả lương thấp nhất so với những người khác cùng cấp.
Dù Apple đã mở cuộc điều tra vấn đề phân biệt giới tính mà Rotondo phản ánh, cô vẫn quyết định xin nghỉ việc. Cô cảm thấy bị cô lập khi không được cấp trên và các bộ phận hỗ trợ. Cô cũng nộp đơn tố Apple phân biệt đối xử lên Ủy ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng (EEOC).
Vài tháng sau khi Rotondo từ chức, các nhân viên khác của Apple bắt đầu kết nối trên Slack và lên tiếng trên Twitter về vấn đề công bằng và phân biệt giới tính tại công ty. Trong đó, Ashley Gjovik, cựu Giám đốc Kỹ thuật chương trình của Apple, cho biết sau khi phàn nàn về môi trường không đủ tiêu chuẩn và tình trạng phân biệt ở cấp quản lý, cô bị sa thải sau 6 năm làm việc. Về phía Apple, hãng giải thích họ cho Gjovik nghỉ việc vì làm rò rỉ thông tin và không hợp tác trong quá trình điều tra.
Để ngăn nhân viên trò chuyện với nhau, Apple bắt đầu bẻ khóa các kênh Slack không liên quan đến công việc. Tuy nhiên, hãng khó có thể ngăn phong trào âm ỉ trong nội bộ.
Trước tháng 5, công chúng hiếm khi nghe đến những thông tin như trên từ nhân viên Apple.
Nhà đồng sáng lập Steve Jobs vốn kiên quyết trong việc giữ kín thông tin nhân sự, đến mức quyết định xóa tất cả thông tin ở phần "About" (giới thiệu về công ty) trong các phần mềm của hãng khi trở lại Apple vào năm 1997. Văn hóa đề cao bí mật được thực thi thông qua hàng loạt quy tắc, như không công khai thông tin về Apple trừ khi được hỏi cụ thể, thẻ nhân viên chỉ mở được một số cửa nhất định dựa theo dự án mà họ tham gia, hay mã hóa tài liệu bằng các từ khóa nội bộ.
Cựu nhân viên Apple Matt Macinnis nói với Vox: "Môi trường giữ bí mật này tạo ra một hệ thống phân cấp bất thành văn giữa cấp trên và cấp dưới tại Apple. Đối với cấp trên, mức độ tiết lộ bí mật là một cách để tạo ảnh hưởng và thể hiện quyền lực của một người. Đối với cấp dưới, đó là lời nhắc nhở tinh tế nhưng liên tục về thứ hạng của bản thân".
Apple cho rằng các sản phẩm mới phải khiến công chúng bất ngờ. Văn hóa giữ bí mật đã tạo ra hàng tỷ USD giá trị cho các cổ đông. Với nhiều nhân viên, điều này được coi là cái giá phải trả khi làm việc tại Apple - một trong các công ty công nghệ danh tiếng nhất ở Thung lũng Silicon.
Nhưng với nhiều người khác, việc công ty từ chối lắng nghe lực lượng lao động đáng bị chỉ trích, đặc biệt trong thời đại cán cân quyền lực đang chuyển dần từ nhà quản lý sang người lao động ở mọi nơi, trừ Apple.
Đăng Thiên (theo The Verge)