Trong khi cam kết bảo vệ dữ liệu người dùng một cách mạnh mẽ, Apple được cho là không coi trọng quyền riêng tư cá nhân của nhân viên.
Giống như bất kỳ ai sở hữu sản phẩm Apple, Apple ID của Preston gắn liền với dữ liệu cá nhân riêng tư. Làm sao anh có thể chắc chắn các tin nhắn và tài liệu cá nhân của mình sẽ không bị công ty theo dõi? Tuy nhiên, cảm giác phấn khích về công việc mới tại một trong những công ty hàng đầu thế giới khiến anh quên đi nguy cơ và chấp nhận liên kết tài khoản.
Ba năm sau, khi Preston xin nghỉ việc, người quản lý yêu cầu anh trả lại máy tính. Theo quy định của Apple, Preston không được xóa ổ cứng của máy tính. Tin nhắn của anh cũng như các tài liệu cá nhân liên quan đến thuế và khoản vay mua nhà gần đây đều nằm trong laptop đó. Preston phản đối, cho biết một số tệp chứa thông tin riêng tư và không có cách nào để chúng biến mất khỏi máy tính mà không xóa ổ cứng. Tuy nhiên, chính sách của công ty là không thể thương lượng.
Câu chuyện của Preston là một phần trong căng thẳng nội bộ Apple, khi một số nhân viên nói công ty không quan tâm đến quyền cá nhân của họ và đôi khi chủ động xâm phạm quyền riêng tư vì lý do bảo mật. Nhân viên Apple được yêu cầu cài đặt nhiều phần mềm thử nghiệm trên điện thoại nhằm kiểm tra các tính năng mới trước khi ra mắt, nhưng một số người chưa kịp sử dụng ứng dụng đã nhận ra dữ liệu cá nhân bị khai thác.
Một số phát hiện ra rằng khi thử nghiệm các sản phẩm mới như Face ID, hình ảnh gương mặt sẽ được ghi lại bất cứ khi nào họ cầm điện thoại. Ashley Gjøvik, một cựu quản lý cấp cao Apple, cho biết: "Nếu họ làm điều này với khách hàng, mọi người sẽ phát điên hết cho xem".
Nhân viên Apple cũng không thể sử dụng địa chỉ email công việc để đăng ký tài khoản iCloud, vì vậy nhiều người phải sử dụng email cá nhân của họ.
Việc làm mờ ranh giới giữa tài khoản cá nhân và tài khoản công việc dẫn đến một số tình huống rắc rối, như trường hợp Gjøvik phải giao nộp những bức ảnh cá nhân cho các luật sư Apple khi nhóm của cô vướng vào một tranh chấp pháp lý không liên quan vào năm 2018.
Nền tảng của những điều trên là một thỏa thuận lao động nghiêm ngặt, cho phép Apple có quyền tiến hành giám sát nhân viên trên diện rộng, bao gồm "giám sát trực tiếp, qua video hoặc điện tử" cũng như khả năng "khám xét không gian làm việc của nhân viên như tủ tài liệu, bàn làm việc và văn phòng (ngay cả khi bị khóa), kiểm tra điện thoại hoặc bất kỳ tài sản nào không phải của Apple (như balô, ví) trong khuôn viên công ty".
Trong thỏa thuận lao động, Apple nhấn mạnh nhân viên "không nên mong đợi về quyền riêng tư khi sử dụng thiết bị cá nhân hoặc của người khác cho hoạt động kinh doanh của Apple, cũng như khi sử dụng hệ thống hoặc mạng của Apple hoặc khi ở cơ sở của Apple".
Nhiều nhân viên có thể lựa chọn sử dụng sản phẩm Apple hoặc yêu cầu công ty trả tiền cho các công cụ làm việc. Nhưng theo The Verge, việc cố gắng duy trì hai chiếc điện thoại là không thể khi làm việc tại Apple. Trong kỹ thuật phần mềm, một số nhân viên nhất định phải tham gia vào chương trình thử nghiệm trực tiếp các bản dựng hàng ngày để sửa lỗi. Nguồn tin giấu tên cho biết: "Bạn không thể có một phần mềm thành công nếu không có những người thử nghiệm sử dụng điện thoại giống hệt thiết bị cá nhân. Vì vậy, một thiết bị chỉ dành cho công việc hoặc một tài khoản công việc là không phù hợp".
Các công ty công nghệ cũng thường yêu cầu nhân viên thử nghiệm phần mềm mới có khả năng làm lộ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, Apple tạo sự khác biệt lớn so với những "gã khổng lồ" công nghệ khác. Tim Cook từng nói hồi tháng 1, các doanh nghiệp được xây dựng dựa trên việc mua bán dữ liệu người dùng có thể làm suy giảm quyền riêng tư trước tiên và sau đó là kết cấu xã hội của chúng ta. Theo The Verge, việc thiếu cam kết với sự riêng tư của nhân viên trong khi rao giảng về dữ liệu cá nhân khách hàng đã khiến không ít nhân viên coi Apple là đạo đức giả.
Giờ đây, khi các nhân viên bắt đầu chống lại nhiều quy tắc của Apple, các chính sách này đang được chú ý hơn, đặt ra câu hỏi liệu công ty đã làm đủ để bảo vệ dữ liệu của nhân viên hay chưa.
Cũng có nhiều nhân viên cho biết họ cho phép công ty quyền theo dõi dữ liệu và không quá lo lắng về sự cố rò rỉ. Tuy nhiên, đối với các nhân viên khác, việc trộn lẫn dữ liệu cá nhân và công việc thực sự gây phiền toái.
Năm 2017, Apple tung ra một ứng dụng có tên là Gobbler để nhân viên thử nghiệm Face ID trước khi nó được cung cấp cho khách hàng. Gobbler đặc biệt ở chỗ nó được thiết kế để kiểm tra tính năng mở khóa bằng khuôn mặt cho iPhone và iPad. Có nghĩa, mỗi khi một nhân viên nhấc điện thoại, thiết bị sẽ quay một đoạn video ngắn, sau đó gửi lên Radar - hệ thống theo dõi lỗi của Apple. Tuy nhiên, sau một số chỉ trích, Apple cuối cùng đã đổi tên mã thành "Glimmer".
Khi nhân viên gửi báo cáo lỗi lên Radar, họ được yêu cầu gửi kèm các tệp chẩn đoán, gọi là "sysdiagnose" để cung cấp cho Apple thêm thông tin về sự cố. Vì vậy, nếu báo lỗi về ứng dụng iMessage, nhân viên buộc phải cài đặt tệp sysdiagnose và để lộ toàn bộ tin nhắn iMessage cho nhóm khắc phục sự cố. Đối với nhân viên thử nghiệm thiết bị trực tiếp, quá trình báo lỗi lên Radar được tự động tạo trong nền, gửi dữ liệu đến Apple mà họ không hay biết.
Các nhân viên thường sẽ không quan tâm nhiều đến điều này nếu không có một quy tắc khác của Apple là cấm xóa dữ liệu trên thiết bị khi rời công ty. Nếu làm vậy, họ sẽ vi phạm thỏa thuận lao động và bị khởi kiện.
Sau khi Preston nộp đơn nghỉ việc, anh nhận được danh sách từ người quản lý với nội dung rõ ràng: "Không xóa hoặc khôi phục cài đặt gốc của bất kỳ thiết bị nào do Apple sở hữu (như laptop, Mac, iPad và iPhone)".
Preston nói: "Trước khi gia nhập Apple, tôi rất tôn trọng công ty. Họ là công ty công nghệ rất coi trọng quyền riêng tư. Nhưng những chính sách đó đang đi ngược lại các giá trị đã nêu của Apple. Đó là điều khó tha thứ".
Đăng Thiên (theo The Verge)