Apple vốn nổi tiếng với văn hóa doanh nghiệp kín đáo, trong đó, nhân viên được kỳ vọng giữ kín mọi thông tin với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, tập đoàn này đột nhiên phải đối mặt với vấn đề không ai có thể nghĩ đến cách đây vài năm, đó là sự bất bình của nhân viên.
CEO Tim Cook hôm 17/9 trả lời hàng loạt câu hỏi của nhân viên trong lần đầu tiên họp toàn thể công ty kể từ khi hàng loạt lo ngại của người lao động được thể hiện công khai, với nhiều chủ đề từ bình đẳng lương đến việc Apple có nên tham gia vào những vấn đề chính trị của Mỹ hay không.
Cook chỉ trả lời hai câu hỏi mà nhiều nhân viên đặt ra, nhưng phản ứng của ông cũng là sự thừa nhận rằng những vấn đề công việc và xã hội gắn liền với Thung lũng Silicon suốt nhiều năm qua cũng đã bám rễ ở Apple.
Trong một tháng qua, hơn 500 nhân viên và cựu nhân viên Apple đã tiết lộ về những vụ bạo hành, quấy rối tình dục, phân biệt đối xử và trả đũa trong công việc.
Tất cả đều đồng tình rằng chính sách giữ bí mật của Apple đã tạo ra môi trường ngăn nhân viên nói về những lo ngại ở nơi làm việc, họ không được nói với đồng nghiệp, báo chí hay đề cập trên mạng xã hội. Những phàn nàn về quản lý hoặc đồng nghiệp thường bị phớt lờ, trong khi nhân viên rất sợ chỉ trích cách vận hành của tập đoàn.
"Môi trường bí mật này rất độc hại. Tôi hiểu sự bí mật là rất quan trọng với sản phẩm, nhằm gây bất ngờ và làm khách hàng hài lòng. Nhưng nó lây lan sang nhiều lĩnh vực khác, gây cản trở và thiệt hại cho người lao động", Christine Dehus, người làm việc 5 năm tại Apple và rời đi hồi tháng 8, cho hay.
CEO Tim Cook và Giám đốc nhân sự Deirdre O'Brien khẳng định Apple thường xuyên giám sát những khoản lương thưởng để bảo đảm công bằng cho nhân viên. "Chúng tôi thỉnh thoảng phát hiện chênh lệch và nhanh chóng khắc phục chúng", O'Brien cho hay.
Apple có khoảng 160.000 nhân viên trên toàn cầu, chưa rõ những than phiền mới được công khai phản ánh những vấn đề mang tính hệ thống hay chỉ là các trường hợp riêng lẻ được ghi nhận tại nhiều tập đoàn lớn.
"Chúng tôi luôn giữ vững cam kết xây dựng và duy trì nơi làm việc tích cực. Chúng tôi xem xét nghiêm túc mọi lo ngại và điều tra khi chúng được đề cập, tập đoàn không thảo luận về từng vấn đề của các nhân viên cụ thể vì tôn trọng sự riêng tư của những người liên quan", Apple ra thông cáo cho hay.
Công khai những vấn đề nội bộ của Apple là điều đáng ghi nhận, trong bối cảnh nhân viên các công ty tại Thung lũng Silicon ngày càng thể hiện rõ quan điểm của mình.
Ba năm trước, nhân viên Google trên khắp thế giới cùng rời văn phòng để phản đối những chính sách liên quan tới quấy rối tình dục. Các nhân viên Facebook năm ngoái cũng lên tiếng phản đối cách công ty này xử lý những bài viết của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ở Apple, các nhân viên dường như chỉ tập trung vào công việc và ít gây điều tiếng. Giữ bí mật là một trong những điều được nhà sáng lập Steve Jobs theo đuổi, do ông luôn ám ảnh với ngăn chặn rò rỉ thông tin về các sản phẩm mới để gây bất ngờ tối đa cho công chúng. Tuy nhiên, tư tưởng này ngày càng lan truyền trong môi trường làm việc tại hãng.
"Tôi chưa bao giờ gặp nhân viên nào lo sợ nói về lãnh đạo công ty như họ", Cher Scarlett, một trong những người sáng lập nhóm hoạt động #AppleToo, cho biết.
Phát ngôn viên Apple khẳng định công ty có chính sách cho phép nhân viên phát biểu tự do về mức lương, thời gian và điều kiện làm việc.
Apple tách nhân viên thành nhiều nhóm riêng biệt nhằm ngăn chặn rò rỉ thông tin. Hãng không có bảng tin nội bộ chung để nhân viên tương tác với nhau cho đến lúc sử dụng Slack vào năm 2019.
Công cụ này trở nên phổ biến khi các nhân viên bắt đầu làm việc tại nhà do Covid-19. "Với nhiều người, đây là lần đầu họ có cơ hội tương tác với những người ngoài nhóm của mình. Trước đó, không ai biết có những người đang gặp vấn đề như mình", Janneke Parrish, một sáng lập viên khác của AppleToo, cho hay.
Những lời than phiền dường như đang tạo ra ảnh hưởng. Apple hồi đầu năm nay thuê Antonio Garcia Martinez, một cựu quản lý tại Facebook. Ngay sau đó, hơn 2.000 nhân viên đã ký tên vào thử phản đối gửi tới ban lãnh đạo vì "những phát biểu phân biệt chủng tộc và giới tính" trong cuốn sách được Martinez viết về giai đoạn làm việc ở Facebook. Apple đã sa thải Martinez chỉ sau vài ngày.
Hồi tháng 5, hàng trăm nhân viên ký vào thư kêu gọi Apple ủng hộ người Palestine trong xung đột với Israel. Một kênh Slack được thành lập để thúc đẩy Apple linh hoạt hơn trong vấn đề làm việc từ xa sau đại dịch đã thu hút hơn 7.500 nhân viên.
Ngoài các nhóm hoạt động, Apple cũng đang đối mặt hàng loạt vụ kiện cáo của nhân viên trước công chúng.
Ashley Gjovik, cựu quản lý chương trình kỹ thuật tại Apple trong 6 năm, cho biết cô đã than phiền suốt nhiều tháng về vấn đề xét nghiệm chất hóa học độc hại ở văn phòng, cũng như các bình luận phân biệt giới tính từ một quản lý.
Gjovik bị đình chỉ việc và sa thải sau khi công khai những than phiền của mình, với lý do làm rò rỉ thông tin sản phẩm và không hợp tác với cuộc điều tra của tập đoàn. Cô đã nộp đơn tố cáo lên Ủy bản Quan hệ Lao động Quốc gia, Ủy ban Bình đẳng Cơ hội Việc làm và Bộ Tư pháp.
Christine Dehus rời Apple sau nhiều năm đấu tranh với quyết định bổ nhiệm vào vai trò nhiều công việc nhưng mức lương thấp. Cô cho biết Apple cố điều động mình tới vị trí khác sau khi than phiền về cách làm việc của tập đoàn.
"Văn hóa công ty là tuân thủ mọi chỉ thị và bạn sẽ được thăng chức. Họ sẽ tước cơ hội này nếu bạn đề xuất gì đó hoặc gây chú ý với công chúng", Richard Dahan, một cựu nhân viên, cho hay.
Điệp Anh (Theo New York Times)