Bộ Y tế cho biết vaccine Covid-19 là loại vaccine mới, phản ứng phổ biến (chiếm hơn 10%) là đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau nóng tại vị trí tiêm. Một số còn ngứa, mệt mỏi, bồn chồn và sốt 38 độ C, ớn lạnh. Khoảng từ một đến 10% bị sưng đỏ tại vị trí tiêm. Trường hợp nghiêm trọng hơn dẫn đến sốc phản vệ.
Do đó, các cơ sở y tế tiêm chủng phải chuẩn bị đầy đủ để nhanh chóng xử trí khi xuất hiện những phản ứng bất lợi ở người sau tiêm vaccine. Những người sau khi tiêm được đưa về khu vực lưu sau tiêm để theo dõi phản ứng với vaccine trong khoảng 15-20 phút. Nếu không có gì bất thường sau thời gian này, họ sẽ về nhà nghỉ ngơi hoặc trở lại vị trí tiếp tục làm việc, tự theo dõi sức khỏe.
Hôm nay, một nữ điều dưỡng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương xuất hiện triệu chứng sốt nhẹ, cảm thấy hơi lạnh, hơi mệt mỏi vào buổi sáng, song vẫn tới bệnh viện để làm việc bình thường.
Bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch và Tiêm chủng vaccine, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cũng hơi mệt sau khi tiêm. Theo anh, đây là phản ứng bình thường của cơ thể, tương tự sau khi tiêm các vaccine phòng cúm khác, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus.
Việt Nam bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 từ ngày 8/3. Đây là vaccine của Tập đoàn AstraZeneca, là một trong 3 loại vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận và đã được sử dụng trên 50 quốc gia, vùng lãnh thổ. Vaccine này được bảo quản ở điều kiện 2-8 độ C.
Để phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc qia, Việt Nam nhập 117.500 liều vaccine Covid-19 AstraZeneca, phân phối trước cho 13 tỉnh đang có dịch, gồm 14 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật và 21 cơ sở điều trị Covid-19. Ngoài ra, có 600 liều được sử dụng để kiểm định chất lượng, lưu mẫu tại đơn vị nhập khẩu cùng Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm y tế theo quy định.
Dự kiến 5,6 triệu liều vaccine AstraZeneca nữa sẽ về Việt Nam trong tháng 3, 4. Trong đó, 4.177.000 liều vaccine phòng Covid-19 do Covax Facility hỗ trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) cung ứng; 1,48 triệu liều do Bộ Y tế mua thông qua Công ty Cổ phần vacxin Việt Nam (VNVC).
Mỗi người trên 18 tuổi sẽ được tiêm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau là 12 tuần, liều lượng 0,5 ml một lần tiêm bắp. Người từ 65 tuổi có bệnh nền, người mắc Covid-19 có chỉ định tiêm dù không có triệu chứng. Người mắc Covid-19 được tiêm sau 6 tháng khỏi bệnh. Người nhiễm HIV, suy giảm miễn dịch được tiêm nếu thuốc nhóm nguy cơ phơi nhiễm hoặc nguy cơ mắc bệnh nặng, không cần xét nghiệm HIV trước khi tiêm. Phụ nữ đang cho con bú nên tiêm nếu thuộc nhóm nguy cơ, không cần tạm ngừng cho con bú để tiêm phòng.
Hôm nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp tục tiêm vaccine cho các nhân viên y tế tại viện. Một số tỉnh, thành khác cũng bắt đầu triển khai tiêm vaccine Covid-19, như Hà Nội, Gia Lai.
Hiện vaccine là biện pháp phòng bệnh nhưng không phải biện pháp duy nhất, chỉ dựa vào vacine là chưa đủ. Người dân không thể chủ quan, mà kết hợp vaccine với hướng dẫn 5k của Bộ Y tế để phòng tránh dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.
Thùy An