Giới chức Phần Lan cho biết chưa ghi nhận ca mắc H5N1 ở người, tuy nhiên vẫn triển khai vaccine. Lý do, quốc gia này lo ngại bùng phát dịch bệnh từ các trang trại thu hoạch lông thú. Dự kiến, đối tượng chủng ngừa là người từ 18 tuổi trở lên, gồm: công nhân tại trang trại thu hoạch lông thú và gia cầm, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm xử lý mẫu cúm gia cầm, bác sĩ thú y...
Phần Lan đưa ra chính sách trên trong bối cảnh chủng virus H5N1 gây bệnh trên toàn cầu từ năm 2020, ngày càng lan rộng. Một số vùng ở Mỹ đã ghi nhận ca bệnh trên gia súc và người. Còn Phần Lan năm 2023 tiêu hủy khoảng 486.000 con vật nhằm ngăn H5N1 lây lan. Nhiều chuyên gia y tế lo ngại virus có thể biến đổi, bùng phát tại các quốc gia khác.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm vaccine cúm gia cầm cho người dân. Trên toàn châu lục, tổng cộng 15 quốc gia sẽ triển khai tiêm, đã đặt mua 40 triệu liều.
Công ty CSL Seqirus của Mỹ cung ứng vaccine, là một trong những đơn vị sản xuất vaccine cúm lớn trên thế giới. Vaccine H5N1 của hãng bào chế theo công nghệ bất hoạt, chỉ định cho người từ 6 tháng tuổi trở lên.
Cúm A/H5N1 còn gọi là cúm gia cầm, bệnh do virus gây ra. Ở người, H5N1 có thể gây bệnh nặng, diễn tiến nhanh và tử vong. Triệu chứng bao gồm sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ và họng. hiện, cúm A/H5N1 chưa có thuốc điều trị. Ngoài vaccine, các biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo gồm: không ăn thịt, giết mổ gia cầm ốm, chết không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín uống sôi, vệ sinh tay; tiêu hủy con vật khi có biểu hiện bệnh.
Chi Lê (Theo Reuters, Forbes)