Bộ Y tế mới đây công bố Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sữa dạng lỏng sửa đổi (QCVN 5-1:2017/BYT). Theo đó, khái niệm sữa tiệt trùng sẽ bãi bỏ từ ngày 1/3/2018. Các sản phẩm này sẽ phải ghi nhãn sữa hoàn nguyên (sử dụng nguyên liệu 100% sữa bột) hoặc sữa hỗn hợp (pha sữa tươi với sữa bột).
Trước đây, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Y tế ban hành năm 2010 (QCVN 5-1: 2010/BYT) phân chia ra 7 loại sữa dạng lỏng. Đó là sữa tươi nguyên chất thanh trùng, tươi thanh trùng, tươi nguyên chất tiệt trùng, tươi tiệt trùng, tiệt trùng, cô đặc và cô đặc có bổ sung chất béo thực vật.
Uỷ ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Codex Quốc tế không có định nghĩa sữa tiệt trùng, mà dùng sữa hoàn nguyên hoặc hỗn hợp. Lo lắng dùng từ Hán Việt "hoàn nguyên" gây khó hiểu với người dân, nảy sinh tâm lý e ngại khi mua, nên các chuyên gia soạn thảo QCVN 5-1:2010/BYT đã sử dụng khái niệm "tiệt trùng".
Cách gọi này gây tranh cãi nhiều năm qua. Nhiều luồng ý kiến cho rằng, cách gọi sữa tiệt trùng không phản ánh đúng bản chất của sản phẩm là sữa bột pha lại. Phần đông người tiêu dùng hiện nay vẫn hiểu nhầm chúng là sữa tươi.
Sữa bột khi chế biến thành sữa dạng lỏng phải qua 2 lần gia nhiệt. |
Vừa qua, Bộ Y tế ban hành thông tư sửa đổi nhằm tránh nhập nhèm hai loại sữa trên. Cụ thể, sữa dạng lỏng phân loại thành 2 nhóm. Nhóm sữa tươi gồm: tươi nguyên chất thanh trùng hoặc tiệt trùng, tươi thanh trùng hoặc tiệt trùng, tươi nguyên chất tách béo, tươi tách béo. Sữa tiệt trùng cũ gồm: hoàn nguyên thanh trùng hoặc tiệt trùng, hỗn hợp thanh trùng hoặc tiệt trùng.
Một số chuyên gia cho rằng ngoài việc làm rõ tên gọi, thì cần ghi chính xác các thành phần trên bao bì. Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hợp - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, bà thường nhận được câu hỏi của phụ huynh: "Sữa tiệt trùng có phải sữa tươi không?", "Nên chọn loại nào thì tốt nhất?"... Theo bà, quy chuẩn sửa đổi sẽ giúp người tiêu dùng trả lời được câu hỏi thứ nhất. Còn câu hỏi thứ 2, cần ghi rõ thành phần dinh dưỡng trên bao bì sữa để người dùng nhìn vào biết sản phẩm nào phù hợp.
Theo thông tin công bố, Bộ Y tế sẽ dành thời gian từ nay tới tháng 3/2018 cho các doanh nghiệp thay bao bì mới.
An San