Bác sĩ Trần Ngọc Khánh Nam, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược, TP HCM, cho biết sẹo lồi khó điều trị hơn sẹo lõm.
Sẹo lồi là nốt mô xơ đặc, trơn, bóng thường gặp ở những vị trí có chấn thương da trước đó như bỏng, phẫu thuật... hoặc xuất hiện tự nhiên trên da thường. Sau vài tuần hoặc vài tháng, những nốt này có thể trở nên đau, ngứa và to lên. Các vị trí thường bị sẹo lồi là ngực, lưng, vai, dưới hàm, tai.
Sẹo lõm thường gặp ở vùng mặt do viêm mụn trứng cá, chấn thương, các thủ thuật da vùng mặt hay thủy đậu và Herpes simplex. Có ba loại sẹo lõm, gồm sẹo đáy nhọn, sẹo đáy vuông, sẹo đáy tròn.
Sẹo lồi hay sẹo lõm ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Sẹo lõm không kèm theo triệu chứng. Sẹo lồi có thể kèm theo một số triệu chứng khó chịu như ngứa, đau nhức, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Bác sĩ Nam cho biết, điều trị sẹo lõm bao gồm tái tạo bề mặt bằng hóa chất, mài mòn/siêu mài mòn da, lăn kim, laser, công nghệ sóng cao tần, phẫu thuật, kỹ thuật làm đầy. Cụ thể:
Tái tạo da bằng hóa chất như salicylic acid, glycolic acid, pyruvic acid, trichloroacetic acid. Nồng độ nhiều hay ít tùy thuộc vào hóa chất được dùng, vùng da điều trị và độ nặng của sẹo. Phương pháp này hạn chế được nguy cơ tạo sẹo và giảm sắc tố da, tuy nhiên dễ làm tăng sắc tố và làm nặng thêm tình trạng viêm mụn trứng cá.
Siêu mài mòn/mài mòn da: Phương pháp này hiệu quả với loại sẹo đáy nhọn hoặc sẹo đáy vuông sâu. Có thể thực hiện nhiều lần.
Lăn kim: Dùng để điều trị sẹo đáy vuông hoặc đáy tròn nông, thực hiện 3-4 lần, mỗi lần cách nhau 4 tuần. Chống chỉ định với bệnh nhân dùng thuốc chống đông, rối loạn đông máu, nhiễm trùng da, tiêm collagen hay chất làm đầy trong vòng 6 tháng, cơ địa sẹo lồi, sẹo phì đại.
Laser trị liệu: Hiệu quả với sẹo đáy vuông hay đáy tròn. Trong đó, phương pháp laser bóc tách có nguy cơ cao gây biến chứng và tác dụng phụ, gồm laser CO2, kaser Erbium. Còn laser không bóc tách thường dùng điều trị nếp nhăn mặt, sẹo mụn vì ít tác dụng phụ hay ly giải quang nhiệt vi phân, phù hợp với sẹo đáy nhọn, đáy vuông, đáy tròn. Vùng điều trị lành hoàn toàn trong vòng 24 giờ, so với phương pháp laser tái tạo bề mặt bóc tách cần 2 tuần để lành.
Phẫu thuật cắt đáy sẹo: Hiệu quả nhất khi điều trị sẹo đáy tròn. Bác sĩ sẽ dùng kim luồn vào dưới da và di chuyển theo nhiều hướng để phá vỡ các dải xơ bên dưới. Ngoài ra bác sĩ có thể dùng punch cắt sẹo đáy nhọn và đáy vuông rộng đến 4-5mm, sâu có thể đến 3 mm.
Kỹ thuật làm đầy thông qua cấy mỡ tự thân: Phương pháp này rẻ và không bị thải ghép hay gây dị ứng hoặc phản ứng mô khác. Hầu hết bệnh nhân đạt được kết quả tối đa sau 3 tháng. Tiêm chất làm đầy hiệu quả với sẹo đáy vuông, đáy tròn sâu, ít tác dụng với sẹo đáy nhọn.
Đối với sẹo lồi, phương pháp điều trị khó khăn và khả năng tái phát cao hơn.
Các phương pháp điều trị sẹo lồi như tiêm corticosteroid, khoảng cách điều trị giữa các lần là 4-6 tuần. Áp nitơ lỏng với các thương tổn nhỏ, hoặc áp nitơ lỏng kết hợp với tiêm corticoide trong thương tổn. Dán hoặc bôi gel silicone khoảng 12 tiếng một ngày, thời gian điều trị ít nhất từ 4-6 tháng.
Đối với sẹo lồi vùng tai, có thể dung kẹp clip on. Phương pháp phẫu thuật kết hợp với tiêm corticoid giúp giảm tỷ lệ tái phát và làm nhỏ kích thước sẹo. Bôi retinoid acid 0,05% hai lần mỗi ngày trong 3 tháng cũng cải thiện một số trường hợp. Có thể kết hợp phương pháp laser để giảm tổn thương.
Các phương pháp khác như tiêm Interferon alpha và gamma, imiquimod hoặc verapamil sau phẫu thuật, 5-FU, Tamoxifen.
Bác sĩ khuyến cáo, điều trị sẹo cần nhiều thời gian và kế hoạch điều trị đúng. Người bệnh cần được khám sớm khi mới phát hiện bệnh, hạn chế hình thành sẹo. Bác sĩ chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ da sẽ khám, tư vấn phương pháp điều trị tối ưu, hạn chế tác dụng phụ.
Thùy An