Đã lâu tôi chưa đụng lại môn Phonetics (ngữ âm học) nên cũng mạo muội đóng góp ý kiến của mình về một số thay đổi của PGS.TS Bùi Hiền. Tôi nghĩ mọi người đừng vội chỉ trích hay ủng hộ một đề xuất mới mà thay vào đó nên đóng góp bằng cách phản biện, tìm ra cái tốt nhất dành cho chữ viết tiếng Việt.
Tôi có một số phản biện như sau dựa vào kiến thức ít ỏi về Phonetics học được.
Chữ viết tiếng Việt là chữ tượng thanh được chế tác theo ký tự La Mã (Roman hay là Latin Alphabet) của các linh mục Francesco de Pina, Gaspar d'Amaral, Antonio Barbosa và Alexandre de RHODES thay thế cho chữ Nôm với mục đích dành cho các nhà truyền giáo tiếp cận dễ dàng hơn. Vì thế, nếu xét chuẩn âm thanh, tôi nghĩ khi chúng ta muốn thay đổi chữ viết theo hướng tiến bộ thì phải dựa trên nền tảng mẫu tự ngữ âm quốc tế (International Phonetics Alphabets) là tốt nhất.
Ngoài ra, thay đổi chữ viết tiếng Việt cũng phải dựa vào nền tảng cơ bản của các ngôn ngữ Latin để tôn trọng nguồn gốc. Về sự thay đổi của PGS.TS Bùi Hiền, tôi có một số ý kiến sau:
1. K thay thế cho C và Q
Chữ cái Latin C là đại diện của âm /k/ và /g/ trước đây giống với Q (thường đứng trước nguyên âm tròn môi như /o/ hay /u/) và K (thường đứng trước nguyên âm /a/). Dần dẫn theo ngôn ngữ hiện đại (Latin), C (viết khác của Kappa- K của Hy Lạp) được sử dụng thay thế hầu hết vai trò của K và Q, K chỉ thường được giữ nguyên trong các từ vay mượn.
Theo khuynh hướng tiến bộ các cụ vẫn giữ nguyên tắc ưu tiên chữ C đi trước nguyên âm trung và tròn môi (u, ư, o, ô, ơ, a, ă, â) và chữ K đứng trước nguyên âm còn lại. Trong tiếng Việt chữ Q được đa số biến thể thành Qu để hợp với quy tắc đứng trước.
Vì vậy nếu thay C bằng K (công cụ = kông kụ) thì dường như đi ngược lại với xu thế cải tiến của chữ viết. Tức là PGS.TS Bùi Hiền cho rằng nên dùng chữ K - Hy Lạp (cổ) hơn là xu thế cải tiến thành C của chữ Latin (chữ mà Alexandre de Rhodes dùng để chế tác chữ quốc ngữ).
Nếu thay K cho Q thì nhiều từ ngữ sẽ phá với quy tắc Latin là K thường không đứng trước âm tròn môi như Q (như Quả và Kủa). Nếu phải thay thế tôi thích cách viết Kw hơn.
(Xem thêm: Ngôn ngữ 'teen' đang phá hủy sự trong sáng của tiếng Việt)
2. C thay thế cho Ch và Tr
Chữ C đại diện cho âm Tắc "stop" như /k/ và /g/ nêu trên trong khi phụ âm ghép (Digraphs/Trigraphs). Ch đại diện Tắc Xát Xuýt cho âm đoạn /tʃ/ và Tr và là đại diện Tắc Xát Không Xuýt cho âm đoạn /tɹ/.
Vì vậy, nếu thay C cho Ch và Tr thì sẽ không hợp lý về mặt âm đoạn dựa vào tiêu chuẩn phiên âm quốc tế như trên. Rõ ràng có sự khác nhau về vai trò của nó nên việc thay thế là không phù hợp.
Ví dụ: Cha (/tʃa/ - Tắc Xát Xuýt) phải khác với Tra (/tɹa /- Tắc Xát Không Xuýt) và Ca (/ka/- Tắc). Ch vẫn là phụ âm ghép phổ biến trong tiếng Anh hiện nay đại diện cho âm /tʃ / nên việc giữ mặc định âm /tʃ/ trong tiếng Việt là hoàn toàn chấp nhận được.
3. D thay cho Đ
Hợp lý theo phương thức cải tiến tuy nhiên nên xem xét chữ D trong Tiếng Việt nên thay bằng dz (/dʒ/) (cân đối miền Bắc /z/ và miền Nam /J/). Nếu Hà Nội là tiếng chuẩn dùng để phổ biến thì ủng hộ việc viết thành Z.
4. F thay cho Ph
Thay đổi hợp lý nhưng cũng chú ý vì tính đặc thù của tiếng việt thế kỷ 17 nên A. D Rhodes mới có phụ âm ghép này (tương đương P có âm bật hơn là /Ph/).
5. G thay cho Gh
Theo Latin G được phát âm là g “nhẹ” (/dʒe/) thường đi trước nguyên âm và (tất nhiên có ngoại lệ như trong tiếng Anh) nên mọi người trước đây áp dụng phụ âm ghép cho đỡ đọc nhầm.
Ví dụ: Ghe /ge/ còn Ge có thể được đọc là /dʒe/. Chính vì vậy các cụ mới dành cho tiếng Việt thêm phụ âm ghép là Gi là G trước nên mật định phát âm là /dʒ/. Cụ thể như Gì /dʒì/.
(Xem thêm: Việc làm 'méo' ngôn ngữ cũng có tác dụng riêng)
6. J thêm vào
Chỉ ghi những từ có gốc nước ngoài.
7. N’ thay cho Nh
Nh trong tiếng Bồ Đào Nha đại diện cho âm /ɲ/ nên A.De Rhodes mới chọn cách viết này. N’ không phải là cách dùng phổ biến của một chữ cái mà nên nếu muốn thay đổi thì dùng giống Tây Ban Nha là Ñ (ñ) hoặc Pháp hay Ý là GN để theo thói quen phổ biến hơn.
9. Q thay cho Ng, Ngh
Q giống C đại diện cho âm tắc “stop” /k/ nên không thể thay thế cho Ng đại diện cho âm mũi ngạc mềm /ŋ/ (Velar Nasal).
10. S thay cho S và X
Theo tiêu chuẩn phiên âm quốc tế và nếu theo tiếng Việt Hà Nội thì hợp lý. Tuy nhiên, tiếng Việt miền Nam phát âm một số từ như: Sa – phát âm thành /ʃa/ và Sh có vẻ là đại diện phù hợp hơn đối với tiếng Việt miền Nam. Cân nhắc nếu S đại diện cho cả S và X thì rất nhiều từ cùng nghĩa dễ gây nhầm lẫn trên văn bản.
(Xem thêm: Tiếng lóng giúp 8X thể hiện cá tính)
11. W thay cho Th
Tôi nghĩ không phù hợp lắm vì W đại diện cho âm /w/ (Môi Ngạc Mềm Tiếp Xúc Hữu Thanh) theo phiên âm quốc tế và cả Latin trong khi Th /θ/ (Vô Thanh Răng) hoặc / θ-/ (Vô thanh Chân Răng (Lợi)). Th vẫn là phụ âm ghép phổ biến trong tiếng Anh nên chúng ta có thể chấp nhận quy ước mật định đại diện cho âm / θ-/ trong tiếng Việt.
12. X thay cho Kh
Tôi cho rằng không phù hợp vì X đại diện cho âm /ks/ nhưng thường đứng phía sau cùng của một từ mới được phát âm như thế còn đứng trước một từ thì thường được phát âm /z/ đối với ngôn ngữ Latin. PGS. TS Bùi Hiền muốn dùng X thay thế cho Kh có lẻ dựa vào Cyrillic Alphabet (tiếng Nga – tiếng PGS đã học X= Khah) nhiều hơn và Roman. Điều này không hay lắm vì ai cũng muốn giữ cái gốc của chữ Quốc Ngữ.
13. Z thay cho R
Z đại diện cho âm /z/ là âm Hữu Thanh Chân Răng Xát Xuýt hoặc /dʒ/ Lợi Ngạc Chân Răng Xát Xuýt. Việc Z đại diện cho cả R (đại diện cho âm /ɹ/ miền Nam hay /ʒ/ miền Bắc là âm tiếp cận) là không chính xác và phù hợp.
Nói chung, chúng ta cần nghiên cứu kỹ hơn trước khi cải tiến chữ viết tiếng Việt để giữ được bản sắc và ngày càng trau chuốt hơn. Bản thân tôi dành cho PGS.TS Bùi Hiền sự kính trọng nhưng chưa ủng hộ việc thay đổi như đề xuất này.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.