Chúng ta đang sống trong một xã hội phát triển cả về công nghệ lẫn các hình thức kinh tế khác. Chưa bao giờ cuộc sống lại có nhiều thay đổi như hiện nay, mọi nền tảng dường như bị lay động trước sự chuyển mình của nền kinh tế, xã hội.
Trước nhịp sống nhanh của kinh tế thị trường, các bậc cha mẹ không còn nhiều thời gian dành cho con cái, thế nên, họ quyết định bù đắp sự thiếu hụt tình cảm bằng cách thỏa mãn cho trẻ nhu cầu vật chất mà chúng đòi hỏi.
Những chiếc điện thoại thông minh được trang bị cho trẻ với mục đích học tập lại được dùng để truy cập mạng xã hội… hay đốt thời gian vào những trò chơi điện tử, đấy là chưa kể nhiều người còn dùng nó như phương tiện để truy cập các trang mạng với nội dung xấu.
Cùng với các phương tiện hiện đại, người trẻ tự phát triển một loạt ngôn ngữ “tuổi teen” dành riêng cho mình. Kéo theo đó là hệ thống ngôn ngữ, từ chữ viết đến tiếng nói đều được thay đổi sao cho phù hợp.
Với ngôn ngữ này, câu cú hay ngữ pháp tiếng Việt với họ không còn quan trọng nữa. Có những bài văn được viết lên, chúng ta không thể tưởng tượng nó là của học sinh cấp hai hay một sinh viên đại học.
Một số bạn trẻ hôm nay không còn giữ những chuẩn mực cả về ngôn từ lẫn lối sống. Họ không những làm biến dạng ngôn ngữ mà còn làm mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống và cách ứng xử.
Với họ, dường như đã xa rồi cái thời của sự chuẩn mực trong giao tiếp “đi hỏi, về chào”, “gọi dạ, bảo vâng”. Người trẻ tự đặt ra cho mình những quy ước đạo đức mới, không cần phải quá rườm rà như xưa, đơn giản “mọi thứ chỉ là tương đối”.
Vì thế, chỉ cần mọi thứ đều được phép thì họ sẽ làm mà không cần suy nghĩ quá nhiều. Dần dà, lối sống vội, sống gấp đã khiến người ta bỏ qua nét văn hóa, lịch thiệp cần thiết để thay cho sự suồng sã, vô tâm.
Phải chăng đó là cách thức mà người trẻ thể hiện khát vọng tự do hay chỉ là ước muốn có một cuộc sống dễ dãi, ngại hy sinh và kiếm tìm sự đơn giản?
Ngôn ngữ mới giúp các bạn giảm thời gian nhấn bàn phím nhưng lại phá hủy văn phạm tiếng Việt, lối sống cởi mở giúp chúng ta dễ giao tiếp nhưng lại lãng quên đi những truyền thống tốt đẹp.
Sự dễ dãi của ngôn từ và cách sống ấy sẽ đưa con người đến với lối sống vô kỷ luật, phá bỏ những rào cản của luật lệ, nội quy và chuẩn mực đạo đức.
Dẫu ở thời nào thì việc “học ăn, học nói, học gói, học mở” vẫn là bài học vỡ lòng và đều cần thiết cho mọi người. Dù ở môi trường nào thì nét đẹp nhân văn trong lời nói và cách hành xử ấy vẫn cần được lưu giữ.
Tôi nghĩ, những quy tắc hành xử của đạo đức truyền thống không lỗi thời mà chỉ là cách thức thể hiện của nó bị lạc điệu, khiến người trẻ cho nó là không cần thiết nữa.
Có thể, những chuẩn mực đạo đức và luân lý không còn được trân trọng nhưng các bạn trẻ nên nhớ, chính những điều ấy lại giúp xã hội được phồn thịnh và lương tâm con người được bình an hơn.
>> Xem thêm: Nên để giới trẻ làm giàu vốn từ mới / 'Sáng tạo' từ mới cũng cần có giới hạn
Giải pháp cho vấn nạn sai chính tả tiếng Việt Chương trình soạn thảo văn bản Word có một chức năng kiểm tra chính tả và ngữpháp cho tiếng Anh rất hay. Nếu áp dụng tương tự để xây dựng bộ từ điển tiếng Việt tiện dụng cho mọi người thì tốt biết bao |
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.