Sáng 16/4, khán giả lẫn người yêu chạy bộ vỗ tay chào đón nhà vô địch nữ full marathon - Phạm Thị Bình. Cô cho biết bất ngờ với kết quả này. "Tôi không nghĩ mình đứng nhất, chỉ đoán sẽ đạt mục tiêu thời gian. Khác với mọi khi, hôm nay, tôi lần đầu mang giày suốt quãng đường dài", cô nói và tiết lộ đi tàu từ Quảng Ngãi ra Huế chiều qua, chưa quen thời tiết cố đô.
Cựu vận động viên sinh năm 1989 cho rằng nhờ các đàn em Hà Thị Hậu, Phạm Thị Hồng Lệ, Phạm Thị Huệ, Hoàng Thị Ngọc Hoa không tham gia VM Huế, cô mới có cơ hội vô địch.
Người theo dõi điền kinh lâu năm vốn quen với hình ảnh Phạm Thị Bình băng về đích trên đôi chân trần trong các giải thể thao thành tích cao. Cô tiết lộ thường chạy chân đất vì hợp cơ địa (bị tật bẩm sinh), khi mang giày sẽ bị cứng chân, chuột rút nặng. Nhưng lần này Bình chọn xỏ giày. "Tôi muốn bảo vệ đôi chân khỏi chấn thương theo lời khuyên của chú Đoàn Ngọc Hải nên quyết định thay đổi chiến lược. Đôi giày này là món quà chú tặng. Tôi sẽ nhớ mãi cuộc đua hôm nay", cô nói.
Suốt nửa chặng đầu, Phạm Thị Bình tụt lại vị trí thứ hai, rồi ba. Phải đến km số 20 mới vượt lên dẫn đầu. Khoảng km 30, cô bị chuột rút, cóng chân nhưng nhanh chóng xử lý tình huống để tiếp tục cuộc đua. "Kinh nghiệm chinh chiến đấu trường đỉnh cao nhiều năm giúp tôi vượt khó lẫn những bất tiện khi mang giày. Đội pacer, tình nguyện viên, lực lượng công an... đã hỗ trợ tôi về đích an toàn", Phạm Thị Bình cho hay.
Dù không đạt thành tích như lần vô địch VM Quy Nhơn 2022 (2 giờ 58 phút), vận động viên vẫn hài lòng vì vượt giới hạn bản thân. Hạnh phúc nhân đôi khi học trò của cô - Đinh Thị Kim Phượng (sinh năm 2009) - vô địch nữ 5km trong lần đầu tham gia giải chạy quy mô lớn. Nguyễn Ngô Đại - ông xã Phạm Thị Bình - cũng tranh tài ở cự ly 42km, đặt mục tiêu sub4. "Hôm qua, bé đầu lòng nhà tôi tham gia Kun Marathon, con rất hào hứng khi nhận được huy chương".
Gần một tháng qua, bên cạnh lịch huấn luyện học trò, Phạm Thị Bình dành nhiều thời gian tập luyện trên giày. Mỗi lần chạy, cô như sống lại hào quang hồi 2013 - thời điểm làm nên lịch sử, mang về huy chương vàng marathon nữ đầu tiên cho Việt Nam tại SEA Games (với 2 giờ 46 phút 3 giây) - thành tích nằm ngoài dự liệu của điền kinh Việt Nam. Trước đó suốt 10 năm, cô thi đấu nhiều giải trong và ngoài nước nhưng ban huấn luyện đặt chỉ tiêu HC bạc cho cô.
Giải nghệ ở tuổi 25, Phạm Thị Bình lấy chồng, lần lượt sinh hai con rồi làm HLV ở đội điền kinh Quảng Ngãi. Mỗi năm, học trò của cô thường góp mặt ở cuộc đua chuyên nghiệp lẫn phong trào, trong đó không ít người đạt thành tích tốt. Trên lớp, Phạm Thị Bình tự nhận bản thân khó tính, yêu cầu cao, tuy nhiên trở về đời thường, cô xem học trò là em út, người thân, luôn hỗ trợ các em hết mình.
Phạm Thị Bình trở lại thi đấu từ 2020, cự ly 10km tại giải leo núi Bà Rá 2020. Cô chỉ mất một tháng tập luyện cho giải đấu đó. Nhưng để trở lại tranh tài cự ly marathon, "Nữ hoàng chân đất" phải bỏ nhiều công sức tập luyện. Tại VnExpress Marathon Huế tháng 4/2022, cô về nhì sau đàn em Phạm Thị Huệ. VnExpress Marathon Quy Nhơn 2022 là giải đấu đầu tiên Phạm Thị Bình đăng quang từ khi giải nghệ.
Cô đánh giá cao hệ thống VnExpress Marathon, vừa tạo cơ hội cho VĐV chuyên nghiệp cải thiện thành tích, hướng tới các giải quốc tế, vừa thúc đẩy phong trào chạy bộ tại Việt Nam. Trên đường chạy, Phạm Thị Bình gặp gỡ vô số runner U70, 80 hay lứa tuổi thanh thiếu niên, gương mặt rạng rỡ và thân thiện. Đa số nhận ra "Nữ hoàng chân đất" một thời, gọi tên, vẫy tay và chúc cô tiếp tục vô địch. Cô nhận định cơn mưa phùn, không khí mát mẻ và khung cảnh lung linh xứ Huế giúp cô lẫn cộng đồng runner có thêm những kỷ niệm đáng nhớ.
Trong lần thứ ba đến Huế, VnExpress Marathon tăng cả quy mô lẫn chất lượng. Số lượng VĐV tăng từ 4.700 lên 10.500. Cự ly 42km xuất phát sớm nhất, lúc 3h. Các cự ly 21, 10 và 5km bắt đầu lần lượt lúc 4h, 5h và 5h30.
Qua từng bước chân, runner khám phá Huế vừa hoài cổ, vừa hiện đại. Nửa đầu cung đường 42km là hành trình qua những danh thắng mang tính lịch sử như Đại nội, cầu Trường Tiền, trường Quốc Học. Nửa sau cung đường đi qua phố xá hiện đại, mở rộng ra vùng ngoại ô xanh mát với những khu đô thị mới.
Thi Nguyên