Người gửi: Tiêu Kim Cương
Kính gửi tòa soạn và quí vị độc giả. Tôi là giảng viên của một trường đại học ở Hà Nội. Xin bày tỏ một vài cảm nghĩ sau khi đọc xong bài " Cô giáo xé bài của học sinh ngay trên lớp học" của chị Phạm Thanh Huyền.
Tính tự giác, lòng vị tha, tính cộng đồng trong mỗi chúng ta (ở đây tôi không đề cập đến trình độ học vấn) đều là sản phẩm chủ yếu của nền giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông, giai đoạn quan trọng cho việc hình thành nhân cách con người.
May mắn hơn nhiều người, trong thời gian học thạc sĩ và làm nghiên cứu sinh, tôi đã có dịp tiếp xúc với hai nền giáo dục hàng đầu ở châu Âu. Tôi cảm thấy thực sự "lo lắng" cho nền giáo dục nước nhà. Mặc dù, thời gian gần đây, mọi người đều có cảm giác là nó đang thay đổi.
Có người nước ngoài nói với tôi rằng, không biết tại sao đất nước của anh lại chủ yếu chú trọng vào việc đào tạo ở các bậc học cao (đại học, thạc sĩ, tiến sĩ...) mà coi thường việc giáo dục tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, tiểu học. Ở nước chúng tôi, thì ngược lại, mọi người rất chú trọng đến giáo dục mầm non...
Phải chăng, chính vì vậy mà một em bé, mặc dù được sinh ra trong một gia đình người Việt tại Đức, nhưng chịu sự giáo dục của nền giáo dục Đức, vẫn nhận ra sai lầm của người bố khi anh này cố gắng "vượt đèn đỏ vì đường vắng, không có ai" và yêu cầu người bố dừng lại.
Thử hỏi, liệu rằng trong xã hội chúng ta, có bao nhiêu phần trăm trẻ em tự giác làm được (thậm chí là nghĩ được) như vậy? Tại sao vậy? Phải chăng ngay từ nhỏ, các em đã được "dạy" là phải làm gì, nói gì khi bố, mẹ hỏi đến, phải làm gì, nói gì khi có đoàn thanh tra đến thăm quan lớp học...?
Các em như những tờ giấy trắng và sẽ giữ lại "bút tích" của chúng ta lưu trên đó trong suốt cuộc đời. Tôi vẫn nhớ, khi còn nhỏ tôi rất yêu quý cô giáo chủ nhiệm của mình. Nhưng một hôm, có một bạn vì nói chuyện trong lớp, đã bị cô giáo đứng từ trên bục giảng ném viên phấn đang cầm trên tay vào người. Mặc dù câu chuyện xảy ra cách đây gần 30 năm, nhưng đối với tôi, nó như mới xảy ra ngày hôm qua vậy.
Thử hỏi, liệu rằng con của chị Huyền cần bao nhiêu thời gian để quên được hình ảnh cô giáo "hiên ngang" đứng giữa lớp xé bài viết của mình, cái mà em đã bỏ bao công sức để "chế tạo" ra nó.
Chúng ta học văn là để hiểu được và diễn đạt được những nét đẹp của cuộc sống theo ý kiến chủ quan của mỗi người (xin lỗi các nhà văn, nếu điều tôi nói không đúng). Thử hỏi, các em thực sự thu được gì sau giờ học như bạn Huyền đã mô tả? Và thực sự các em sẽ trở thành những người như thế nào nếu suốt mười mấy năm học các em được học những giờ học kiểu ấy (xin lỗi các thầy giáo thực sự tâm huyết với nghề)? Liệu rằng với môi trường giáo dục như vậy chúng ta sẽ có bao nhiêu phần trăm các em thực sự tự giác trong cuộc sống, trong công việc...?
Mong rằng tất cả chúng ta cùng lên tiếng để tìm ra đường đi tốt nhất cho nền giáo dục nước nhà.