Người gửi: Phạm Thanh Huyền
Tôi là giáo viên dạy khối ngành kỹ thuật, có con nhỏ chuẩn bị bước vào lớp 3. Tôi có quá nhiều bức xúc về cách dạy Văn ở bậc Tiểu học và "nạn nhân" là chính con gái tôi.
Năm học lớp 2, con gái tôi bắt đầu học Văn. Cháu học cách tả người thân, tả một loại quả mà cháu thích, viết về cảm xúc khi nhìn một bức tranh tả cảnh biển... Tôi luôn hướng cho con tôi viết ra những gì cháu nghĩ, những cảm nghĩ thật của cháu... Tuy nhiên, khi đến trường cô giáo lại luôn đưa ra những câu văn khuôn mẫu, có phần rất sáo rỗng bắt các cháu học thuộc.
Ví dụ, khi tả về mẹ, thì mẹ cháu lúc nào cũng phải "hiền dịu"; tả anh trai thì anh phải "thông minh, có đôi mắt sáng".... Cháu tả "mẹ cháu nghiêm khắc" hoặc "anh cháu béo" liền bị cô giáo gạch ngay. Hoặc kết thúc bài thì luôn phải có một câu "... em rất tự hào về quê hương đất nước Việt Nam".
Một lần, cô giáo giao bài "Em hãy tả về người thân của em". Hôm đầu tiên cháu tả về ông ngoại cháu, hôm sau, cô vẫn giao đầu bài ấy, cháu tả về cô của cháu. Khi cháu nộp bài thứ hai liền bị cô xé bài ngay trước lớp.
Chiều hôm đó, gặp tôi đón cháu, cô còn kể lại chuyện này và bảo "Mỗi cháu viết về hai người khác nhau thì cả lớp 43 cháu cô chữa làm sao được". Tôi lặng đi và cũng không muốn làm to chuyện.
Thậm chí, ngay cả trước khi thi, bao giờ cô cũng dặn về học thuộc 3-4 bài, đề thi đều rơi vào các bài đó.
Nếu cách dạy Văn từ bậc Tiểu học đã hình thức như thế thì thử hỏi con cháu chúng ta làm sao phát huy được tính sáng tạo, trí tưởng tượng...? Ở bậc Tiểu học, hãy để các cháu viết ra những gì cháu nghĩ, cô giáo chỉ nên chữa các lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp hoặc giúp các cháu sắp xếp lại câu cho hợp lý.
Xin có vài dòng chia sẻ các bức xúc sau khi đọc bức thư ngỏ của một sinh viên Việt Nam học tại Mỹ.