(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Nhiều bạn cho rằng phát minh sáng chế phải do những người rất giỏi tạo ra. Bạn nhầm. Phần lớn phát minh sáng chế hàng năm trên thế giới do những người không ai biết đến tạo ra. 99% phát minh sáng chế hàng năm không có tính khả dụng, không được xã hội chấp nhận và không đưa vào cuộc sống được.
Tuy nhiên, chỉ 1% có tính hữu ích thôi sẽ tạo ra hàng chục đến hàng trăm nghìn việc làm mới, lan tỏa ra bên ngoài lãnh thổ tiếp tục tạo việc làm cho các quốc gia khác. Do đó, người ta lấy số lượng phát minh sáng chế hàng năm của từng quốc gia để đánh giá tiềm lực kinh tế của quốc gia đó.
>> 'Kiến thức phổ thông chắp cánh cho sáng chế, không phải đánh đố để thi cử'
Thế nào gọi là phát minh sáng chế ? Chiếc xe hơi đầu tiên có cấu tạo thô sơ là một phát minh. Sau đó có người tạo ra những linh kiện cho chiếc xe vận hành êm ái hơn, dễ bảo dưỡng sửa chữa hơn, tiện nghi hơn.
Từng cái linh kiện thêm vào cấu tạo của cái xe là một sáng chế. Như vậy, số lượng phát minh là không nhiều, còn số lượng sáng chế thì vô cùng nhiều. Nghiên cứu khoa học không phải để phát minh sáng chế mà để tìm ra lý thuyết giải thích cho một hiện tượng tự nhiên nào đó thôi.
Dựa vào lý thuyết đó người ta mới phát minh ra cái gì đó cụ thể. Dựa vào phát minh cụ thể đó người ta sáng chế để hoàn thiện phát minh đó. Tức là, người phát minh sáng chế là những người thuộc về khoa học ứng dụng, có bằng cấp từ trên đại học đến ....không có bằng cấp nào.
Người phát minh ra động cơ hơi nước dựa vào lý thuyết nào để phát minh? Dựa vào lý thuyết về áp suất không khí. Nước được đun sôi biến thành hơi nước. Hơi nước ở thể khí có thể tích lớn hơn rất nhiều so với thể lỏng, trong không gian hạn hẹp tạo thành áp suất lớn. Áp suất ấy trở thành động lực để làm quay một cái trục. Đó chính là động cơ hơi nước. Động cơ đốt trong, động cơ điện nói cho cùng cũng chỉ để làm quay một cái trục thôi. Nối với cái trục ấy là máy móc nào thì muôn hình vạn trạng.
>> Vì sao học sinh Việt giải Toán 'dễ như ăn kẹo' nhưng kém sáng tạo?
Như vậy, phát minh sáng chế có phải là công việc phức tạp đến mức phải có bằng cấp thật cao mới làm được? Bất cứ người nào có trình độ phổ thông trở lên đều có thể phát minh sáng chế. Phát minh ban đầu bao giờ cũng là thứ gì đó rất thô sơ. Nhiều cái thô sơ gắn kết với nhau tạo thành phức tạp. Nhiều cái phức tạp tích hợp lại tạo thành thứ gì đó mà ta hay gọi là "công nghệ cao".
Có những phát minh chỉ do một người tạo ra, những phát minh này thường dựa vào một lý thuyết nào đó. Có những phát minh do nhiều người tạo ra, những phát minh này dựa vào nhiều lý thuyết khác nhau hợp thành. Phần lớn những người phát minh hoặc tham gia vào nhóm phát minh có bằng cấp không cao, chỉ trình độ đại học trở xuống thôi.
>> 'Các giáo sư, PGS nên chủ động kiếm tiền từ nghiên cứu, sáng chế'
Còn trình độ trên đại học? Là những người tìm kiếm lý thuyết mới hoặc lựa chọn lý thuyết có sẵn nào ứng dụng vào việc gì. Người ta phát minh ra cây bút chì chẳng dựa vào lý thuyết nào mà chỉ dựa vào hiện tượng cục than vạch ra trên giấy trắng những nét màu đen. Người ta lại sang chế ra cục tẩy để xóa đi những nét sai. Người ta lại sáng chế ra công cụ để vót lại đầu bút.
Còn gì để làm nữa? Còn. Lại tiếp tục sáng chế, đem cục tẩy gắn vào một đầu bút chì. Tiếp tục tích hợp luôn công cụ vót bút chì vào bút chì bằng cách tạo nhiều đầu bút chì đã được vót từ trước gắn vào một cái khoen bằng nhựa, nhiều khoen nối tiếp nhau trong ống nhựa, đầu bút này mòn thì tháo ra vứt, tiếp tục xài đầu bút khác. Những phát minh sáng chế ấy có gì phức tạp không?
Ai cũng làm được nhưng vấn đề là ai nhìn ra được trước. Tuyệt đại đa số máy móc công cụ hiện nay được phát minh sáng chế dựa trên lý thuyết phổ thông. Đại học là nơi người ta hoàn thiện những sáng chế ấy cho dễ sử dụng, mẫu mã đẹp (tức là tạo thành thương phẩm) và có thể chế tạo hàng loạt (sản xuất công nghiệp) để giảm giá thành. Chúng ta học nhiều như vậy sao không tạo ra được cái gì? Đó là câu hỏi cần ngành giáo dục trả lời.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiếntại đây.
Lâm