Cuối ngày 28/5/2010, thi thể Thẩm Miêu được người qua đường phát hiện nằm bên rìa ruộng lúa mạch ven đường mòn thuộc huyện Thái Khang, tỉnh Hà Nam. Tình trạng của nạn nhân rất giống vụ hiếp dâm giết người, nhưng trong thi thể không tìm được dấu vết tinh dịch.
Thẩm Miêu là học sinh lớp 7 trường cấp hai thị trấn Mao Trang. Giáo viên chủ nhiệm lớp kể hôm đó không thấy Miêu đi học nên gọi điện cho phụ huynh nhưng không có người nghe máy. Phía gia đình lại cho biết thấy Miêu đi học từ sáng sớm nên cho rằng đã đến trường, không ngờ lại xảy ra chuyện ngoài ý muốn.
Theo kết quả khám nghiệm, nạn nhân bị sát hại vào khoảng 4h30 ngày 28/5/2010. Lúc này đã vào mùa hè nhưng hơn 4h sáng trời vẫn chưa sáng hẳn. Hiện trường cách nhà chỉ 500 m, tương đối hẻo lánh, xung quanh lại có cây cối che khuất tầm nhìn. Tại sao Miêu lại đến đây từ sớm như vậy? Qua tìm hiểu, cảnh sát mới biết nhà Miêu cách trường học hơn 5 cây số, đi bộ hết gần hai tiếng đồng hồ. Miêu thường rời nhà từ khoảng 4h để qua thôn bên cạnh rủ bạn đi học.
Tìm kiếm dấu vết quanh hiện trường, cảnh sát thấy rằng gần hiện trường có con sông nhỏ, bắc qua sông là cây cầu đường sắt bỏ hoang. Từ cầu đường sắt đến hiện trường có hai hàng dấu chân một lớn một nhỏ đi song song. Ban chuyên án liền mời chuyên gia dấu chân Vương Thanh Cử đến hỗ trợ phá án.
Sau khi phân tích dấu chân, Cử xác nhận dấu chân nhỏ là của nạn nhân, dấu chân lớn là của hung thủ. Đây là dấu tích của mẫu giầy Giải Phóng cỡ 40. Từ độ mòn, vị trí mòn, hoa văn đế giầy và độ sâu của dấu chân có thể xác định hung thủ cao khoảng 1m68, trên dưới 30 tuổi, cân nặng trung bình, là người lao động chân tay.
Người dân khu vực này chủ yếu trồng lúa mạch, ngô và bông, cơ bản đều tự mình làm ruộng, không thuê người làm từ nơi khác đến. Ban chuyên án vì thế khoanh vùng 10 thôn trong phạm vi 10 km xung quanh hiện trường để tìm tất cả các đối tượng phù hợp mô tả của chuyên gia dấu chân.
Người bị tình nghi đầu tiên là Trần Hải Cảng, 32 tuổi, cao 1m67, thường xuyên đi khỏi nhà mà không nói với vợ con. Không ai biết Cảng đi đâu, làm gì, có khi vài ngày, có khi thậm chí vài tháng Cảng mới về. Lúc này, trong nhà Cảng có một đôi giầy Giải Phóng cỡ 40. Vợ Cảng nói nửa năm trước đã mua cho chồng hai đôi giầy giống nhau nên ngoài đôi ở nhà, Cảng còn đi một đôi khác khi bỏ đi nửa tháng trước vụ án.
Cảnh sát mang đôi giầy tìm thấy tại nhà Cảng về cho Vương Thanh Cử xem xét. Hoa văn đế giầy và các đặc điểm của đôi giầy cơ bản giống dấu giầy của hung thủ nhưng mức độ mài mòn khác nhau. Do Cảng có hai đôi giầy, chỉ khi nào tìm được đôi giầy còn lại chuyên gia mới có thể xác định Cảng có phải hung thủ hay không.
Hoàn cảnh gia đình Cảng rất khó khăn. Nhà nghèo, mẹ mất sớm, Cảng từ bé đã bỏ học đi lang thang kiếm sống, đến năm 13 tuổi theo bố đi làm thuê, 5 năm sau thì bố cũng mất. Mấy năm sau, Cảng được mai mối cho một góa phụ hơn mình đến 19 tuổi.
Sau khi lấy vợ, Cảng vẫn quen với cuộc sống lang thang, không thích về nhà mà suốt ngày đi uống rượu, đánh bạc, thường xuyên ngủ luôn tại công viên hay lề đường. Cảnh sát không biết Cảng đi đâu nên không thể tiếp tục điều tra theo hướng này.
Trong lúc tìm hiểu thông tin về nạn nhân, ban chuyên án lại có phát hiện. Gia đình nạn nhân không phối hợp điều tra, thường không chịu trả lời những câu hỏi của cảnh sát. Tại nhà Miêu, cảnh sát cũng tìm được đôi giầy Giải Phóng cỡ 40. Mẹ Miêu đi làm thuê ở xa, bố Miêu làm nghề lái xe tải chở hàng, ở nhà chỉ có hai bố con sống với nhau.
Miêu không phải là con đẻ của bố mẹ mà chỉ là con nuôi. Dù không muốn nghĩ đến khả năng này, cảnh sát vẫn phải mang đôi giầy của bố Miêu về cho chuyên gia. May mắn là sau khi xem xét cẩn thận, Vương Thanh Cử kết luận hai dấu giầy khác nhau rất rõ, một dấu mòn ở phần mũi giầy, một dấu mòn ở phần gót giầy, thể hiện độ tuổi của hai người khác hẳn nhau.
Sau nhiều lần cố gắng làm công tác tư tưởng, bố của Miêu mới nói thật là không muốn nhắc đến bất cứ tình tiết nào nữa của vụ án vì mỗi lúc như vậy, ông lại có cảm giác như đang làm con bị tổn thương một lần nữa.
Sau khi xảy ra vụ án, nhà trường yêu cầu tất cả học sinh đều phải có người đưa đón. Nhiều phụ huynh gặp khó khăn rất lớn vì việc đưa đón con đi học ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của họ. Tất cả mọi người đều mong cảnh sát sớm bắt được hung thủ để cuộc sống trở lại bình thường, nhưng đã hai tuần trôi qua, vụ án vẫn không thể phá được.
Không còn cách nào khác, ban chuyên án quyết định cử người mai phục trên một số đoạn đường vắng, không ngờ cách làm "cầu may" này đem lại manh mối. Một tổ cảnh sát mặc thường phục phát hiện có người khả nghi đi qua cây cầu đường sắt lúc 3h sáng. Người này đội mũ lưỡi trai che quá nửa mặt, vừa đi vừa nhìn trước ngó sau. Cảnh sát bám theo nghi ph ạm này về nhà và được biết hắn là Vương Lỗi, kẻ đang trốn truy nã.
Hai năm trước, Lỗi tham gia vụ hiếp dâm tập thể và trốn thoát trong khi tất cả đồng bọn đều bị bắt. Nhà Lỗi cách hiện trường không đến hai cây số. Theo hàng xóm, Lỗi đã về nhà một thời gian nhưng sợ có người phát hiện nên chỉ ra khỏi nhà vào đêm tối. Nhà ở gần hiện trường, có tiền án hiếp dâm, lại thường hoạt động về đêm, Lỗi lập tức bị cảnh sát vây bắt.
Làm việc với cảnh sát, Lỗi thừa nhận đã tham gia vụ án năm 2008 nhưng phủ nhận mọi dính líu tới vụ án gần đây. Cảnh sát không có bằng chứng buộc tội nào khác nên không thể kết luận Lỗi là hung thủ sát hại Miêu.
Lúc này, tổ giám định chứng cứ phát hiện trên quần của nạn nhân có sợi tóc dài hai cm, rất có thể là của hung thủ. Sợi tóc này lập tức được đưa đi giám định cùng với mẫu ADN của Cảng và Lỗi, một ngày sau thì có kết quả. Nằm ngoài dự liệu, cả hai mẫu ADN của Cảng và Lỗi đều không phù hợp với mẫu ADN thu được từ sợi tóc khả nghi.
Nhận kết quả ADN, chuyên gia Cử tự nhốt mình trong phòng làm việc. Sau hai ngày, ông khẳng định Cảng chính là hung thủ. Dấu giày tại hiện trường và đôi giày tại nhà Cảng tuy có độ mòn khác nhau, nhưng toàn bộ chín vị trí chịu lực chính đều hoàn toàn phù hợp.
Cho rằng xác suất có hai dấu chân giống nhau như thế này là gần như không có, ông cảm thấy nghi ngờ kết quả xét nghiệm ADN.
ADN luôn được coi là bằng chứng thép trong vụ án nhưng vẫn có khả năng xảy ra sai sót trong quá trình lấy mẫu. Ban chuyên án liên hệ với tổ giám định chứng cứ thì được biết do Cảng đã trốn, con trai Cảng nằm ở bệnh viện xa nên tổ giám định lấy mẫu ADN trên bàn chải đánh răng của Cảng để ở nhà. Có thể mẫu ADN trên bàn chải đánh răng đã khiến kết quả giám định không chính xác.
Ban chuyên án đề nghị đến bệnh viện lấy mẫu máu của con trai Cảng để đối chiếu với mẫu ADN từ sợi tóc khả nghi. Lần này, quá trình giám định cho kết quả hai mẫu ADN có quan hệ huyết thống, từ đó có thể kết luận Cảng chính là hung thủ. Lệnh truy nã lập tức được phát đi khắp toàn quốc.
Dù Cảng bị truy nã, ban chuyên án vẫn giúp đỡ gia đình Cảng. Con riêng của vợ Cảng năm nay thi đỗ đại học nhưng không có tiền đóng. Con chung của vợ chồng bị bệnh tim bẩm sinh, thường xuyên phải nằm viện, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
Ban chuyên án đứng ra kêu gọi quyên góp trong đơn vị được hơn 10.000 nhân dân tệ, mang đến cho vợ Cảng lo chữa trị cho con. Lúc ra về, vợ Cảng bỗng gọi điều tra viên quay lại và đưa cho một số điện thoại mà Cảng từng gọi về nhà.
Số điện thoại này là của một công trường nhưng quản lý tại công trường cho biết Cảng đã nghỉ việc được một thời gian. Hai tháng sau, cảnh sát bắt được Cảng đang làm thuê tại công trường khác.
Theo lời khai của Cảng, hôm đó hắn uống rượu rồi ngủ trên cầu đường sắt. Hơn 4h sáng, thấy bé gái đeo cặp đi qua, hắn nổi ý đồ xấu và kéo nạn nhân tới ruộng lúa. Khi bé gái la hét chống cự quyết liệt, Cảng đã siết cổ song không ngờ quá tay. Thấy nạn nhân chết, Cảng vội bỏ trốn.
Khang Diệp (Theo CCTV)