Phương tiện này được đưa về TP HCM hồi đầu tháng 11 năm ngoái, sau khi bến Vàm Cống ngừng hoạt động. Phà đang được neo đậu tại Công ty cổ phần đóng tàu An Phú (quận 7), đã hết hạn đăng kiểm; phần vỏ bị gỉ sét, thủng khiến nước tràn vào làm hư hỏng máy móc, thiết bị. Song, phương tiện hiện chưa thể mang đi sửa chữa, đưa vào hoạt động do vướng các thủ tục tiếp nhận, quản lý tài sản công.
Phà trước đó do Cục quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ) quản lý. Phương tiện lúc mới mua giá hơn 5 tỷ đồng, hiện giá trị chỉ còn khoảng 751 triệu đồng sau thời gian khai thác ở bến Vàm Cống. Gần 5 tháng qua, giá trị của phà chưa được các bên hạch toán cụ thể và làm thủ tục quản lý tài sản, đưa vào khai thác.
Để phà sớm hoạt động, Sở Tài chính TP HCM kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn làm các thủ tục hạch toán và quản lý phà. Trước đó, Sở Giao thông Vận tải đề nghị giao việc khai thác phà cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong. Bởi đơn vị này đang quản lý hai bến phà Cát Lái (nối TP Thủ Đức với huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), Bình Khánh (nối huyện Nhà Bè với Cần Giờ). Điều này được đánh giá phù hợp bởi theo dự định phà 200 tấn khi đưa về TP HCM sẽ tăng cường phương tiện cho bến Cát Lái.
Theo Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong (đơn vị quản lý phà Cát Lái), hiện bến có 7 phà nhưng chưa đáp ứng lượng khách tăng vào cuối tuần hoặc lễ, Tết, khiến ùn tắc liên tục xảy ra ở hai đầu bến. Đặc biệt trong thời gian duy tu, sửa chữa, số lượng phà càng ít không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại.
Gia Minh