Tổng cục Đường bộ (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) là cơ quan quản lý phà này trước đó, hiện được giao phối hợp UBND TP HCM tổ chức bàn giao và tiếp nhận. Nguyên giá phà 200 tấn này hơn 5 tỷ đồng và hiện giá trị còn lại khoảng 752 triệu đồng, sẽ được hạch toán để tính tài sản cụ thể.
Ông Ngô Đặng Quá Hải, Phó phòng giao thông thủy, Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết sau khi tiếp nhận, phà sẽ được chuyển về bến Bình Khánh (nối hai huyện Cần Giờ và Nhà Bè).
Trước đó, TP HCM kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải điều chuyển hai phà 200 tấn từ Vàm Cống về chở khách tại bến Bình Khánh và Cát Lái (nối quận 2, TP HCM với huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại khi cả hai bến phà này đều đã vượt công suất.
Bến Bình Khánh hiện có 6 phà, gồm hai phà 200 tấn và bốn phà 100 tấn. Phà chạy trên sông Soài Rạp, chở khoảng 30.000 lượt khách mỗi ngày, thường xảy ùn tắc ở đầu Nhà Bè và Cần Giờ.
Còn bến Cát Lái hiện có 7 phà, gồm hai phà 200 tấn và 5 phà 100 tấn. Lượng khách qua bến phà này trung bình mỗi ngày hơn 50.000 lượt và tăng lên khoảng 75.000 lượt vào cuối tuần. Những dịp lễ, Tết, khách qua phà gấp đôi ngày thường, khoảng 90.000-100.000 lượt khách, khiến hai đầu bến liên tục kẹt xe.
Hôm 19/5, cầu Vàm Cống vượt sông Hậu khánh thành, kết nối thông suốt toàn tuyến quốc lộ N2 từ Bình Phước về đến TP Cần Thơ, song song quốc lộ 1A. Cầu đưa vào khai thác đã kết thúc sứ mệnh 100 năm chở khách ở bến phà Vàm Cống.
Gia Minh