Thông tin được Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM Từ Lương nói tại buổi họp báo thông tin tình hình và biện pháp phòng chống dịch diễn ra tối 19/6. Các chợ tự phát ven đường, nhất là ở gần những khu công nghiệp tập trung đông lao động, công nhân được xem tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, lây lan dịch.
Theo ông Từ Lương, dịch tại thành phố còn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới những ngày gần đây luôn vượt qua 3 con số. Dự báo tuần tới còn nhiều ca nhiễm cộng đồng, đòi hỏi thành phố phải tập trung xử lý.
"TP HCM không áp dụng Chỉ thị 16 một cách cứng nhắc mà sử dụng nền của các giải pháp Chỉ thị 15, 16 để ban hành chỉ thị riêng của thành phố trong phòng chống dịch trên địa bàn", ông Từ Lương nói.
Ngoài việc giải tán chợ tự phát và tổ chức lại chợ truyền thống, chỉ thị mới còn yêu cầu dừng tất cả loại hình kinh doanh dịch không thiết yếu. Từ ngày mai taxi truyền thống và công nghệ, xe buýt và xe liên tỉnh dừng hoạt động.
Người dân nên ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết như mua lương thực, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp; không tụ tập trên 3 người nơi công cộng, khoảng cách giãn cách tối thiểu 1,5 m.
Các cơ sở, đơn vị nhà nước đảm bảo đúng quy định về giãn cách trong quy trình làm việc. Doanh nghiệp hạn chế tối đa làm việc trực tiếp mà chuyển sang làm trực tuyến, nhân viên chỉ đến trụ sở khi cần thiết, thực hiện quy định 5K.
Các đơn vị dừng các hội họp không cần thiết, chỉ tổ chức cuộc họp thực sự quan trọng, tập trung không quá 10 người trong một phòng, được chính quyền địa phương cho phép.
Tính đến chiều nay, TP HCM ghi nhận 1.481 ca nhiễm, từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát hôm 27/4, xếp thứ ba cả nước. Gần đây, số ca nhiễm tính theo ngày tại thành phố liên tục cao kỷ lục (149 ca hôm 18/6 và 137 ca hôm 17/6).
Từ 0h ngày mai, ba khu phố 2, 3, 4 thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân; ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3 và một phần ấp Thới Tây 1, thuộc xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn sẽ bị phong toả 14 ngày. Đây là những nơi liên quan một số ổ dịch ghi nhận nhiều ca bệnh nhưng chưa rõ nguồn lây.
Hữu Công