Hai tiền vệ sáng tạo gia nhập Chelsea hè 2012, khi CLB đắm chìm trong ánh hào quang của chức vô địch Champions League đầu tiên. Cả hai đều còn trẻ - một người mới bước sang tuổi 20, người kia hơn một tuổi - và đều sở hữu tài năng xuất chúng, phù hợp với số tiền mà Chelsea đã bỏ ra.
Nhưng một cầu thủ chỉ ở lại vài tuần. Đội bóng tin rằng anh ta cần phát triển thêm và đã cho một CLB Đức mượn trong một mùa giải. Người trẻ hơn ở lại, và tiến bộ không ngừng. Anh ra mắt ngay trong ngày khai mạc mùa giải mới.
Lúc này, tất cả đều đồng tình rằng người rời Chelsea đã đạt tới đỉnh cao danh vọng. Kevin De Bruyne vừa giành danh hiệu Cầu thủ hay nhất Ngoại hạng Anh mùa 2019-2020. Anh cũng đang trên đường giúp Man City giành chức vô địch nước Anh thứ ba trong bốn mùa gần nhất, và là trọng tâm trong mọi kế hoạch xây dựng Man City, đến mức họ sẽ không đời nào để De Bruyne ra đi với bất cứ giá nào. Cũng nhờ De Bruyne, đội tuyển Bỉ lên số một FIFA và là ứng viên hàng đầu ở mọi giải đấu quốc tế những năm gần đây.
Người còn lại đã rẽ sang một con đường khác. Chưa tròn một thập niên kể từ ngày được xem là cầu thủ giàu triển vọng hơn, và được Chelsea giữ lại, Oscar đã bị gạch tên khỏi đội tuyển quốc gia suốt 5 năm qua. Ở tuổi 29, anh không còn là mục tiêu theo đuổi của bất cứ CLB lớn nào ở châu Âu. Oscar như thể thuộc về một thời đại khác, lùi quá nhanh vào quá khứ, và hầu như chẳng mấy khi được nhắc đến.
Mọi quyết định đều tiềm ẩn rủi ro, nhất là khi Oscar chấp nhận một lời đề nghị theo kiểu không thể cưỡng lại. Năm 2016 là lúc bóng đá châu Âu hoảng sợ với Trung Quốc. Tháng Một năm ấy, các CLB Super League bắt đầu tấn công ồ ạt các giải đấu lớn nhất lục địa già, sẵn sàng trả những khoản phí khổng lồ, đến mức hầu như không ai có thể lắc đầu.
Có giai đoạn, kỷ lục chuyển nhượng của bóng đá Trung Quốc bị phá tới ba lần trong 10 ngày. Đầu tiên là Ramires, một tiền vệ khác của Chelsea. Sau đó tới Jackson Martinez từ Atletico. Cuối cùng là Alex Teixeira, một cầu thủ Brazil chơi cho Shakhtar Donetsk. Teixeira thậm chí chấp nhận lật kèo với Liverpool, dù vài ngày trước đã đồng ý những thỏa thuận sơ bộ.
Oscar là dấu ấn đậm nét nhất trong giai đoạn ấy. Tháng 12/2016, Cảng Thượng Hải đồng ý mua cầu thủ người Brazil với giá 73 triệu USD. Mức lương của cựu cầu thủ Sao Paulo được cho là khoảng 26 triệu USD một năm, gần ngang thu nhập trong bốn năm rưỡi anh khoác áo Chelsea. Chính tiền vệ sinh năm 1991 cũng không cố ngụy biện cho lựa chọn của anh. "Đôi khi, Trung Quốc đặt lên bàn đàm phán những con số mà cầu thủ không thể chối từ", anh nói.
Rất dễ để chỉ ra lỗ hổng trong logic của Oscar, khi để tiền chi phối quyết định có ảnh hưởng to lớn đến sự nghiệp. Nếu ở lại Chelsea, anh vẫn có thể kiếm được hàng triệu USD mỗi năm. Dù bóng đá là một ngành công nghiệp thất thường, Oscar mới 25 tuổi khi rời London. Anh còn ít nhất năm hoặc sáu năm thi đấu đỉnh cao để tích lũy tài sản. Nếu khéo léo, tiền vệ này hoàn toàn đủ khả năng vun vén cho kinh tế cả gia đình, mà vẫn đảm bảo được giấc mơ lớn nhất của đời cầu thủ: chơi bóng ở cấp độ hàng đầu.
Cần lật lại tiểu sử để hiểu, tại sao Oscar lại chọn con đường sang Trung Quốc. Cha của anh bị tai nạn giao thông và qua đời năm Oscar ba tuổi. Anh thậm chí không nhớ nổi mặt ông. Mẹ của anh, Sueli một mình gồng gánh nuôi ba đứa con.
Oscar chưa bao giờ tìm kiếm sự cảm thông cho hoàn cảnh khốn khó thời thơ ấu, nhưng luôn nói rõ ưu tiên khi chọn nghề cầu thủ. Đó là giúp đỡ gia đình. Có lẽ, không nên nhận xét về đạo đức nghề nghiệp của tiền vệ xứ samba, khi cố gắng hưởng thành quả xứng đáng nhất từ khả năng của bản thân. Bóng đá coi cầu thủ chỉ như những món đồ chơi. Nếu gièm pha cầu thủ, nếu họ trót coi bóng đá giống một cuộc chơi, e là đạo đức giả.
Tuy nhiên, với những ai từng chứng kiến cách Oscar vê bóng, qua người, và làm những điều kỳ diệu khi có bóng trong chân, cảm giác bất mãn luôn bao trùm họ khi nhìn anh sang Trung Quốc. Là một tài năng hiếm có, cộng thêm óc chiến thuật sắc sảo, anh có quyền mơ một ngày sẽ nối bước Kaka, Ronaldinho, Ronaldo chinh phục những danh hiệu châu lục hay thế giới. Tâm lý sẵn sàng chinh phục đỉnh cao là thứ thuyết phục Chelsea giữ Oscar và từ chối De Bruyne ở tuổi 21.
Trong bốn năm rưỡi ở Chelsea, Oscar hai lần vô địch Ngoại hạng Anh, giành một Europa League. Ngay mùa đầu tiên, anh chơi hơn 60 trận. Dù ngồi ghế HLV là Rafa Benitez hay Jose Mourinho, tiền vệ người Brazil đều có chỗ đứng. Nếu tiếp tục bám trụ Stamford Bridge, kho danh hiệu của anh chắc chắn sẽ vô cùng đồ sộ.
Ở tuổi 25, Kaka, Ronaldinho và Ronaldo đều giành Quả Bóng Vàng. Oscar đáng lẽ cũng phải vươn tới nấc thang tiếp theo trong sự nghiệp. Khi thổ lộ nguyện vọng rời Chelsea, anh được vô số CLB ở châu Âu quan tâm. Cầu thủ này đã nói chuyện với Atletico, Juventus, hai đội bóng thành Milan. Ở trên tuyển, Oscar vừa mất vị trí vào tay Philippe Coutinho, và nếu ở lại châu Âu, chắc chắn anh đủ sức giành lại.
Bỏ qua tất cả, Oscar lựa chọn bến đỗ không ai ngờ. Có lẽ, ngày đặt bút ký hợp đồng với Cảng Thượng Hải, cựu cầu thủ Chelsea không nghĩ rằng anh đi vào đường một chiều. Thực tế, nhiều cầu thủ sang Trung Quốc như Yannick Carrasco, Paulinho, Axel Witsel, đều tìm cách trở lại châu Âu và nhanh chóng tìm lại được sức bật như chưa hề bị đứt đoạn sự nghiệp chơi bóng đỉnh cao. Trong thâm tâm, Oscar có thể đã nuôi hy vọng tương tự. Anh chỉ muốn "rong chơi" tại phương Đông một thời gian rồi trở về.
Nếu thực sự nghĩ vậy, đây có lẽ là lúc thích hợp. Sự bùng nổ của bóng đá Trung Quốc đã tới hồi cáo chung. Trước Covid-19, nhiều CLB Super League đã cắt giảm chi phí và thi hành nhiều chính sách thắt lưng buộc bụng. Rất nhiều cầu thủ, những người sang Trung Quốc thời kỳ đầu hồi 2016, đã rời nơi từng là miền đất hứa. Martinez treo giày. Ramires hiện thất nghiệp. Teixeira bỏ đội đương kim vô địch Giang Tô, sau khi CLB này ngừng hoạt động, và tìm đường sang Tây Á. Một số người khác, nếu không có lựa chọn khả dĩ, sẽ buộc phải ở lại và chịu quy định lương trần 3,6 triệu USD một năm mà Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc thực thi từ mùa 2021.
Trên lý thuyết, Oscar còn cơ hội trở lại châu Âu, miễn là có một bến đỗ đủ kiên nhẫn và dũng cảm đưa tiền vệ này trở lại. Ở tuổi 29, anh vẫn ở giai đoạn chín của sự nghiệp, thậm chí "tuổi bóng đá" của tiền vệ này còn trẻ hơn nhờ bốn năm được dưỡng sức ở môi trường ít cạnh tranh Super League.
Nhưng thực tế có thể rất khác. Bên cạnh vấn đề tiền lương, Oscar khó tránh khỏi cái nhìn dò xét với những gì đã làm. Anh đã một lần đi theo tiếng gọi đồng tiền, chấp nhận rời xa tinh hoa của môn thể thao vua, và bỏ mặc những tố chất từng khiến anh là một cầu thủ đặc biệt.
Theo cơ chế thị trường, bóng đá vận hành ngày càng theo quy luật cung cầu. Là một người nhận thức sâu sắc về giá trị bản thân, Oscar có thể sẽ không bao giờ trở lại châu Âu. Mùa đông 2016, anh rời Chelsea không phải vì những đồng nhân dân tệ, mà là để truy cầu cuộc sống sung túc, thứ không bao giờ có trong tuổi thơ của Oscar. Bốn năm qua đã mang lại cho anh những thứ trong mơ, ít nhất là ở khía cạnh vật chất.
Nỗi buồn, có lẽ chỉ dành cho người hâm mộ, cho những kỳ vọng về một Kaka mới không bao giờ thành hình. Còn Oscar? Anh đơn giản chỉ là gật đầu với lời đề nghị không thể chối từ.
Thắng Nguyễn (theo NY Times)