Khi lên thay Thái Chấn Hoa làm Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) tháng 8/2019, Trần Tuất Nguyên (Chen Xuyuan) nói muốn nền bóng đá nêu cao tinh thần "tráng sĩ đoạn uyển". Ngụ ý rằng, mọi quyết sách cần quyết đoán, không chần chừ, bất chấp những ý kiến trái chiều.
Gần hai năm lãnh đạo bóng đá Trung Quốc, Tuất Nguyên cụ thể hóa phát biểu ấy. Gần 20 CLB, ở nhiều cấp độ, bị giải tán. Khi được hỏi về việc này, ông nhấn mạnh: "Chúng tôi tin mọi người sẽ cảm nhận được, rằng công việc hôm nay quan trọng thế nào với bóng đá nước nhà". Chủ tịch 59 tuổi cũng viện dẫn tình thế của CLB Quảng Châu (tiền thân là Hằng Đại Quảng Châu), và nhấn mạnh: "Giành được nhiều chức vô địch như vậy có ích lợi gì, khi mà chúng ta vẫn chưa trở lại World Cup?"
Theo trang 163.com, Tuất Nguyên có quan hệ gần gũi với một số lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. Trước khi lên nắm quyền ở CFA, ông có nhiều quan điểm tương đồng với lãnh đạo Tập Cận Bình, nhất là về "Giấc mơ Trung Hoa". Từ năm 2015, khi ông Tập kêu gọi các tập đoàn đầu tư vào bóng đá, đội bóng cũ nơi Tuất Nguyên làm chủ tịch - Thượng Hải SIPG - nằm trong số bạo chi nhất. Họ phá kỷ lục chuyển nhượng châu Á, khi mang về Hulk rồi tự phá kỷ lục bằng bom tấn Oscar từ Chelsea.
Nhưng khi nền bóng đá "bong bóng" của Trung Quốc nguy cơ bị vỡ, Chủ tịch họ Trần lại là người quyết liệt nhất trong việc siết chặt các quy định. Cuối 2019, khi nắm quyền tối cao ở CFA được bốn tháng, Trần áp lương trần với cầu thủ nước ngoài. Mỗi ngoại binh chỉ nhận tối đa 3,6 triệu USD một mùa. Tự mỗi CLB phải đàm phán ký mới hợp đồng theo quy định trong vòng một năm, trước khi mùa giải 2021 bắt đầu. Hệ quả, nhiều cầu thủ ngôi sao rời Trung Quốc, trong đó có Hulk. Tiền đạo người Brazil vừa trở về quê nhà khoác áo Atletico Mineiro.
Cuối 2020, khi Trung Quốc Super League vừa oằn mình chống chọi với Covid-19, Tuất Nguyên ra thêm một quy định nữa - Phi thương mại tên các CLB. Nội dung này được ghi trong điều lệ giải, trong đó nêu rõ: Bỏ tên tập đoàn, công ty khỏi tên CLB. Đội nào vi phạm sẽ bị trừ điểm, thậm chí đánh tụt hạng. Đó là lý do mà khi CLB Giang Tô tuyên bố ngừng hoạt động, họ không còn là Tô Ninh Giang Tô.
Lưu Dịch, Tổng thư ký CFA, từng nói về điều này với AFC: "Cam kết tài chính của các tập đoàn thiếu bền vững. CFA muốn chuyển trọng tâm sang liên kết chặt chẽ với các địa phương và thúc đẩy tài năng bóng đá trong nước, hơn là tuyển mộ ngôi sao quốc tế. Trung Quốc cần hành động mau chóng, trước khi vòng chung kết Asian Cup 2023 diễn ra".
Việc quay ngoắt thái độ của CFA với mô hình doanh nghiệp hóa bóng đá, vốn nở rộ từ 2015, làm phật ý nhiều tập đoàn. Hai lợi ích lớn nhất về thương hiệu, là xuất hiện trên tên CLB và chiêu mộ ngôi sao, họ đều phải từ bỏ, bắt đầu từ mùa 2021. Thiên Tân năm 2019 là phát pháo đầu tiên. Giang Tô đầu năm nay là phản ứng dây chuyền. Trước đó, Sơn Đông cũng bị cấm dự AFC Champions League vì nợ lương cầu thủ.
Mọi chuyện sẽ êm ả hơn với bóng đá Trung Quốc, nếu như những ngoại lệ không xuất hiện. Ví dụ tiêu biểu là Cảng Thượng Hải. CLB này nằm trong diện phải đổi tên, nhưng do là sân sau của Chủ tịch Trần, họ chỉ thay chữ SIPG, vốn là tên viết tắt của Tập đoàn quốc tế Cảng Thượng Hải, thành Cảng. Điều này gây bức xúc cho nhiều đội, trong đó có Quảng Châu - thế lực số một ở Super League nhiều năm qua.
"Cách làm của CFA khiến nhiều đội thất vọng. Họ cảm thấy quyền lợi không được bảo vệ", lãnh đạo một CLB Super League cho biết. Một người khác thì than thở rằng không tìm ra cơ chế nào để bù khoản lương bị chênh cho những năm hợp đồng còn lại của các cầu thủ vượt trần lương 3,6 triệu USD một mùa. Nếu việc nợ lương không được giải quyết, FIFA có thể phạt nặng các CLB Trung Quốc và CFA.
Trong khi đó, ngôi sao số một của Cảng Thượng Hải và Super League - Oscar vừa trở lại Trung Quốc đầu năm 2021. Chưa rõ thu nhập 26 triệu USD một năm được xử lý thế nào, nhưng cựu cầu thủ Chelsea tuyên bố: "Tôi không có ý định rời Trung Quốc, và đã nghĩ đến chuyện treo giày tại đây".
Buộc những CLB hàng đầu, như Giang Tô, Quảng Châu... ngừng ném tiền vào vụ chuyển nhượng bom tấn, nhưng CFA chưa có cách nào giúp họ gây dựng nguồn thu bền vững. Theo số liệu của Sohu, mỗi năm CLB Quảng Châu bán được 50.000 áo đấu chính hãng, trong khi tổng số người hâm mộ của họ là bảy triệu người. Đội tám lần vô địch Super League nhưng có chưa đến 1% người hâm mộ mua áo đấu, thì tình hình các CLB chắc không khác là bao.
"Tại châu Âu, người hâm mộ sẵn sàng bỏ ra khoảng 10% thu nhập để chi trả cho các hoạt động liên quan đến bóng đá như mua vé, áo đấu. Lý do bởi thu nhập bình quân đầu người ở đây rất cao", Sohu phân tích. "Dân số Brazil có 200 triệu người, gấp ba lần Đức và năm lần Tây Ban Nha, nhưng nguồn lực tài chính của các CLB Brazil kém hơn rất nhiều. Tương tự vậy, nếu một người Trung Quốc kiếm được 20.000 tệ một tháng, anh ta sẽ không thấy vấn đề gì khi mua áo đấu của Quảng Châu giá 699 tệ. Nhưng nếu chỉ kiếm được 3.000 tệ, 50 tệ cho một chiếc áo nhái cũng là quá nhiều".
Trần Tuất Nguyên đã nhắc đến vấn đề này trong việc cải tổ nền bóng đá. Ông nhấn mạnh: "Chi tiêu của các CLB Trung Quốc gấp 10 lần K-League và ba lần J-League của Nhật Bản. Nhưng đội tuyển quốc gia bị tụt lại rất xa. Các bong bóng không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng hiện tại mà ở cả tương lai".
Simon Chadwick, Giáo sư chuyên ngành doanh nghiệp thể thao của Đại học Salford ở Vương Quốc Anh, đồng ý với quan điểm này và nhận xét thêm: "Lượng chi đó tạo ra những kỳ vọng khổng lồ. Chi khoản tiền lớn cho các cầu thủ cũng là để có được những người hùng và các biểu tượng".
Những "biểu tượng", như lời Chadwick hiện hữu qua Carlos Tevez, Didier Drogba, Nicolas Anelka (Thân Hoa Thượng Hải), Oscar, Hulk (Cảng Thượng Hải), Alex Teixeira, Ramires (Giang Tô), Paulinho, Robinho (Quảng Châu), Javier Mascherano, Ezequiel Lavezzi (Hà Bắc), Yannick Carrasco (Đại Liên), Graziano Pelle, Marouane Fellaini (Sơn Đông), hay Axel Witsel, Alexander Palo (Thiên Tân). Nhìn chung, một nửa số đội dự Super League đã sở hữu những ngôi sao đủ sức chơi bóng ở châu Âu, nhưng đến giờ, duy nhất Quảng Châu vô địch AFC Champions League.
Khi Trung Quốc đề ra "Giấc mơ bóng đá", những lãnh đạo nước này đã chia nguồn lực ra làm hai: Một vươn ra châu Âu, thâu tóm các CLB danh tiếng như Inter, Southampton, Wolves... Một đưa những ngôi sao thế giới về Super League, đồng thời tạo bàn đạp đưa những cầu thủ bản địa giỏi ra nước ngoài.
Nhưng sau sáu năm, mô hình này chỉ xuất ngoại duy nhất một trường hợp của Wu Lei tại Espanyol. Chính xác hơn, những người làm bóng đá Trung Quốc chỉ làm tốt phần việc đầu tiên, nghĩa là sẵn sàng trả những con số trên trời cho Tevez, thậm chí là Gareth Bale hay Cristiano Ronaldo nếu họ gật đầu tới xứ tỷ dân. Phần nhiệm vụ còn lại, họ quay sang nhập khẩu cầu thủ Hoa kiều, thay vì xuất khẩu cầu thủ như Hàn Quốc, Nhật Bản đã làm.
Bóng đá khác với lặn, thể dục dụng cụ, bơi hay điền kinh - những môn Olympic mà Trung Quốc đã chạm ngưỡng thế giới. Nền bóng đá chuyên nghiệp nước này, dù được tổ chức lại sau bê bối bán độ, dàn xếp tỷ số vào năm 2009, chưa thể vươn tầm. Từ chỗ là "mối nguy cho tất cả các đội bóng trên thế giới" (lời HLV Antonio Conte), Super League đi vào suy thoái khi các ông chủ không thể gồng gánh mãi một ngành dịch vụ không đủ sức tự nuôi bản thân.
Từ 2017, Chính phủ Trung Quốc dấy lên lo ngại về nguy cơ rửa tiền hay tháo vốn trong nền bóng đá. Họ bắt đầu siết lại quy định, trước mắt là ở những tập đoàn có vốn nhà nước. Nếu muốn mua một CLB bóng đá ở Anh, nhà đầu tư giờ phải trình bày lý do rõ ràng và lộ trình cụ thể lên chính phủ. Bằng không, họ sẽ phải thoái vốn - điều đang xảy ra với các chủ sở hữu của Southampton, West Brom hay Inter.
Mới nhất, PP Sports, một công ty thuộc sở hữu của Tập đoàn Tô Ninh, vừa bị IMG từ chối cấp quyền phát sóng trận đấu giữa Fiorentina và AC Milan tại Serie A. Nguyên do bởi phía Trung Quốc không thanh toán hợp đồng đúng hạn. Hồi đầu mùa 2020-2021, PP Sports cũng bị đối tác châu Âu chấm dứt hợp đồng phát sóng Ngoại hạng Anh trị giá gần 800 triệu USD sớm hai năm vì lý do tương tự. Giáo sư Chadwick tin rằng bóng đá tại Trung Quốc đã qua thời phát triển nóng. "Mọi thứ đã thay đổi đáng kể và chính phủ Trung Quốc hiện mong đợi giới đầu tư trong nước chấm dứt các khoản đầu tư ở nước ngoài để đem về đầu tư tại đất nước", ông phân tích. "Bóng đá Trung Quốc đang cùng nhau hành động sau khi bị đốt cháy bởi tham vọng của lãnh tụ. Đó không phải là điều mà Chính phủ Trung Quốc dự tính khi đưa ra chiến lược này".
Khác với di sản văn hóa hàng thế kỷ của các CLB châu Âu, bóng đá chuyên nghiệp ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia châu Á khác chủ yếu dựa vào tài trợ và đầu tư của doanh nghiệp trong giai đoạn sơ khai. Họ có cùng một công thức phát triển, nhưng hiện chỉ có Nhật Bản và Hàn Quốc xã hội hóa thành công. Theo BBC, sự khác biệt với Trung Quốc nằm ở chỗ, các doanh nghiệp và lãnh đạo bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc biết dung hòa giữa quyền lợi doanh nghiệp và bản sắc địa phương tại các CLB.
Sự suy sụp của Giang Tô, hay hai năm trước là Thiên Tân, buộc Trung Quốc phải tính lại con đường phát triển. Trang Sina bình luận: "Trách nhiệm của CFA không chỉ là duy trì giải đấu chuyên nghiệp nữa. Họ còn cần uốn nắn những mô hình đi chệch hướng".
Thắng Nguyễn (theo BBC, Sports Mail)