Điều hành Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước ("Siêu ủy ban") thế nào cho hiệu quả là một trong những vấn đề được các chuyên gia tranh luận sôi nổi trong buổi hội thảo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức sáng nay (16/1).
Là người đầu tiên đưa ra ý kiến trong số 4 chuyên gia, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại cho rằng, việc thành lập siêu ủy ban, còn giúp giảm bớt lợi ích nhóm giữa các đầu mối quản lý. Lấy ví dụ cho vấn đề này, ông Tuyển đã kể lại câu chuyện mà ông khẳng định là “có thật” của Bộ Công Thương dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
"Lúc đó, một số doanh nghiệp thép cạnh tranh không lành mạnh. Cục quản lý Cạnh tranh nhận thấy điều này và lên kế hoạch đi thanh, kiểm tra. Tuy nhiên, một vị thứ trưởng phụ trách ngành đã ra lệnh không được thực hiện", ông Tuyển kể.
Ngoài ra, theo ông Trương Đình Tuyển, thách thức hiện nay là số lượng doanh nghiệp đã quá lớn nên câu chuyện quản lý thế nào cần đi đôi với đẩy mạnh cổ phần hoá, bán vốn và thu gọn đầu mối.
"Chúng ta luôn phải đặt ra câu hỏi làm thế nào để quản lý tốt hơn, nhưng không làm được thì phải làm những cách ít dở nhất, thu gọn quy mô doanh nghiệp Nhà nước lại", ông Tuyển nói. Theo ông, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được lập ra đến nay đã quá sức và chỉ mang nghĩa quản lý vốn, thay vì phát triển.
Cùng quan điểm này, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, việc thực hiện và vận hành Siêu ủy ban có thể lấy đi lợi ích nhóm, "bắt" các bộ phải chuyên tâm lo cho quản lý Nhà nước, không cài cắm lợi ích để làm chính sách quản lý méo mó.
Còn dưới góc nhìn của TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM, việc sở hữu tài sản và quyền ra chính sách dễ nảy sinh 2 vấn đề là xung đột lợi ích và rủi ro đạo đức. Do vậy, việc thu gọn đầu mối quản lý sẽ giúp đề cao giám sát, cân đo năng lực, từ đó làm giảm thiểu xung đột lợi ích giữa các bên liên quan.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là làm thế nào để siêu ủy ban này hoạt động hiệu quả, khi mà hầu hết các chuyên gia đều cho rằng một ví dụ như SCIC đã "quá sức" trong quản lý vốn Nhà nước.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, vấn đề thành công và hiệu quả chính sách của ủy ban này là phải là nằm ở người quản lý. "Người lãnh đạo đó phải là người kỹ trị, chứ không phải là chính trị. Cách chúng ta nhầm lẫn giữa hai nhiệm vụ này nên khiến dư luận không yên tâm", bà Lan nhấn mạnh.
Trước câu hỏi liệu có cần thiết phải thành lập siêu ủy ban ở hiện tại, bà Lan cho rằng với quy mô doanh nghiệp Nhà nước lớn như hiện tại, thì việc thu gọn đầu mối là điều phải thực hiện.
"Trong báo cáo 2035, chúng tôi kiến nghị Việt Nam chỉ nên duy trì 20 doanh nghiệp Nhà nước, nên có lẽ lúc ấy không cần đến siêu uỷ ban. Nhưng với Việt Nam từ nay đến năm 2035 còn rất dài, chắc chúng ta vẫn cần siêu uỷ ban như vậy", bà Lan nhận định.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ký quyết định thành lập Tổ công tác thực thi việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, cựu Bí thư tỉnh uỷ Cao Bằng, ông Nguyễn Hoàng Anh giữ chức Chủ tịch Ủy ban này.
Theo dự thảo, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ có quy mô tài sản khoảng 5 triệu tỷ đồng, gồm nhiều tập đoàn, tổng công ty, trong đó có các “đại gia” như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV)… Ủy ban này được thành lập với kỳ vọng chấm dứt tình trạng các Bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”, khi nhiều doanh nghiệp Nhà nước sẽ được rút khỏi các Bộ và đưa về quản lý tại siêu ủy ban.
Minh Sơn