Quan điểm của Chính phủ được Phó thủ tướng nhấn mạnh tại cuộc họp cho ý kiến về đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, diễn ra ngày 7/12.
Ở lần thứ 2 ban soạn thảo trình xin ý kiến Chính phủ về việc lập "Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp", bản đề án vẫn bị chê nhiều hơn khen. "Trong Luật đã có rồi, Nghị quyết của Quốc hội có rồi. Đề án này không phải là đi xin chủ trương mà là thực hiện chủ trương", Phó thủ tướng nói và yêu cầu cơ quan soạn thảo - Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì, Bộ thẩm tra đề án phải đọc kỹ các luật để nhận thức rõ.
Trên cơ sở đó, Phó thủ tướng yêu cầu đề án phải nêu ra được thực trạng về quản lý và chức năng của đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước hiện nay như thế nào, nói rõ việc tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và chức năng chủ sở hữu vốn Nhà nước.
"Đầu tư vốn chỉ là một chức năng của đại diện chủ sở hữu thôi, Nhà nước lập ra không phải để đi kinh doanh vốn. Chủ trương Đảng có rồi, Nghị quyết của Quốc hội có rồi, đừng có tranh cãi làm gì nữa", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Theo đề án, cơ quan này sẽ thực hiện tập trung chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước và phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, thay vì phân tán tại các bộ, ngành như hiện nay; cũng như tách chức năng quản lý Nhà nước với đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các bộ, UBND tỉnh, thành.
“Thực chất không có gì mới, chỉ chuyển quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp từ phân tán sang tập trung thôi. Hiện ta đã thực hiện 2 mô hình, một là phân tán và phân về Tổng công ty Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC), nhưng tập trung ở SCIC là không đầy đủ nên nay phải làm tập trung hơn”, Phó thủ tướng lưu ý và "chốt" hạn một tuần để cơ quan soạn thảo hoàn thiện đề án, trình ra thường trực Chính phủ xem xét, thông qua và ủy nhiệm cho Ban cán sự đảng Chính phủ sớm trình lên Bộ Chính trị.
Tại hội nghị về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước ngày 6/12, đề cập tới ủy ban này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư - Đặng Huy Đông phủ cho rằng không nên so sánh cơ quan đại diện vốn Nhà nước là "siêu bộ" như nhiều quan điểm đưa ra trước đó. "Cơ quan này sẽ hoạt động theo đúng các Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư... và cố gắng áp dụng chuẩn mực cao nhất về quản lý vốn tại doanh nghiệp Nhà nước công khai, minh bạch và có giám sát cụ thể", ông Đông nhấn mạnh.
Theo dự thảo về thành lập "siêu ủy ban", cơ quan này sẽ được quản lý bởi các bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, lĩnh vực, song sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp với Chính phủ về kết quả và hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài sản và vốn tại các doanh nghiệp.
Cơ quan này sẽ trực tiếp quản lý phần vốn Nhà nước tại 30 tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp (Tập đoàn Dầu khí, Điện lực, Hoá chất, Dệt may, Công nghiệp Than - Khoán sản, Bưu chính - Viễn thông, Công nghiệp Cao su, Xăng dầu, Bảo Việt... Các tổng công ty gồm Cà phê, Đường sắt, Hàng hải, Hàng không, Lương thực miền Bắc, Lương thực miền Nam, Thuốc lá, Giấy, Thép, Dược, Cảng hàng không, Lâm nghiệp, Sông Đà, Habeco và Sabeco…). Các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an vẫn do các bộ này quản lý.
Trong danh mục quản lý của Uỷ ban này còn có Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Riêng phần vốn mà SCIC nắm giữ tại các doanh nghiệp tính đến cuối năm 2015 khoảng 98.000 tỷ đồng. Theo tính toán, hiện còn khoảng 5 triệu tỷ đồng vốn Nhà nước vẫn nằm tại các doanh nghiệp.
Cho ý kiến về việc lập cơ quan quản lý vốn Nhà nước, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại đề nghị thành lập ít nhất 2 tập đoàn tài chính của Nhà nước. Theo ông Lộc, các tập đoàn này sẽ thực hiện vai trò tập hợp vốn, quản lý vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp và hoạt động như các công ty tài chính trong việc đầu tư vào doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và cũng như khối doanh nghiệp cổ phần.
Anh Minh