Việc tìm kiếm một chiếc ôtô giá cả phải chăng ở Mỹ đang trở thành thách thức lớn đối với nhiều người dân có ngân sách hạn chế. Thuế nhập khẩu mới đối với xe sản xuất tại Mexico làm vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn.
Hiện nay, gần 33% số xe có giá dưới 30.000 USD bán tại Mỹ được sản xuất tại Mexico, bao gồm các mẫu phổ biến như Nissan Sentra, Ford Maverick, theo phân tích từ trang web mua sắm ôtô Edmunds. Một thập kỷ trước, Mexico chỉ chiếm 20% số xe giá rẻ bán tại Mỹ.
Mexico từ lâu đã là lựa chọn hàng đầu cho các hãng sản xuất ôtô muốn giảm chi phí sản xuất, đặc biệt là các mẫu xe nhỏ với giá bán thấp và biên lợi nhuận mỏng hơn so với các dòng xe bán tải và SUV cỡ lớn.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa đảo ngược chiến lược này khi ông cam kết vào tháng 11/2024 rằng sẽ áp thuế 25% lên hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada, động thái có thể dẫn đến việc hủy bỏ hiệp định thương mại mà ông đã ký trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Các chi phí liên quan đến khoản thuế mới có khả năng chuyển sang người tiêu dùng - ít nhất là ngắn hạn - và sẽ tác động mạnh nhất đến các dòng xe con và SUV giá rẻ, theo các nhà phân tích.
Một số mẫu xe giá thấp, như Honda Civic sedan, được sản xuất tại Canada, và linh kiện ôtô sản xuất ở hai quốc gia láng giềng của Mỹ cũng sẽ chịu thuế mới, làm tăng thêm chi phí cho nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Đề xuất thuế của ông Trump có thể khiến chi phí trung bình của mỗi chiếc ôtô bán ra ở Mỹ tăng khoảng 3.000 USD, theo ước tính của Wolfe Research.
"Ai cũng lo lắng", Steven Center, người đứng đầu Kia Mỹ, cho biết.
Kia, một trong hơn 10 hãng sản xuất ôtô ở Mexico, gồm dòng sedan cỡ nhỏ Forte và K4 để xuất khẩu sang Mỹ. Hai mẫu xe này chiếm khoảng 18% doanh số của Kia tại Mỹ.
Theo Center, việc thêm các rào cản thương mại mới ở Bắc Mỹ sẽ gây thiệt hại nhiều hơn là mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp ôtô Mỹ.
Giá ôtô mới tăng vọt trong đại dịch, chủ yếu do thiếu hụt phụ tùng và hàng tồn kho. Lãi suất tăng trong những năm gần đây cũng đẩy chi phí sở hữu xe lên cao hơn.
Dữ liệu ngành cho thấy khoản thanh toán trung bình hàng tháng cho khoản vay mua xe mới hiện nay khoảng 700 USD, tăng từ 500 USD năm 2016 khi ông Trump lần đầu nhậm chức. "Đó chỉ là mức trung bình", Ivan Drury, từ Edmunds, cho biết.
Sự gia tăng đột ngột này khiến nhiều người chuyển sang các dòng xe nhỏ hơn và rẻ hơn, giúp tăng doanh số cho nhiều mẫu xe hiện được sản xuất tại Mexico.
Rob Matthews, chủ tịch Matthews Auto Group - chuỗi đại lý có cửa hàng ở New York, Pennsylvania và Massachusetts - cho biết ngày càng nhiều khách hàng ưu tiên tính kinh tế hơn là không gian và kích thước, một sự chuyển đổi diễn ra nhanh chóng trong năm qua do lạm phát.
Hiện nay, hơn 20 nhà máy lắp ráp ôtô ở Mexico đang sản xuất gần 4 triệu xe mỗi năm. Khoảng 70% trong số đó được vận chuyển sang Mỹ để bán, theo Hiệp hội Công nghiệp ôtô Mexico (AMIA).
Các hãng ôtô đã đầu tư vào Mexico sau khi ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) năm 1994, với hy vọng tận dụng chi phí nhân công thấp và diện tích đất chưa phát triển của quốc gia này để xây dựng các nhà máy ôtô mới.
Mexico đã trở thành trung tâm sản xuất xe cỡ nhỏ và SUV, một phần vì chi phí sản xuất giảm giúp cải thiện lợi nhuận cho các mẫu xe mà trước đây thường thua lỗ khi sản xuất ở Mỹ.
Tại Mexico, tiền lương tại các nhà máy lắp ráp ôtô dao động 3,5-4,3 USD một giờ, theo Ernesto Bravo, đại diện Tecma Group, một công ty Mỹ hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài thiết lập hoạt động tại Mexico.
Tại Mỹ, công việc lắp ráp ôtô được trả trung bình khoảng 33 USD một giờ, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS).
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã nỗ lực đảo ngược xu hướng chuyển dịch việc sản xuất của Mỹ ra nước ngoài, đặc biệt là sang Trung Quốc, Mexico và các quốc gia có chi phí thấp khác. Là một phần của những nỗ lực đó, ông đã đàm phán lại NAFTA, thay thế bằng thỏa thuận mới là Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA).
Thỏa thuận này phần lớn duy trì thương mại miễn thuế giữa ba quốc gia nhưng đưa ra các yêu cầu mới nhằm bảo vệ người lao động thuộc công đoàn tại Mỹ và Canada. Trong số các quy định mới, các nhà sản xuất phải sử dụng tỷ lệ cao hơn phụ tùng từ Bắc Mỹ để tránh thuế quan. Thỏa thuận cũng yêu cầu 40-45% nguyên vật liệu trong ôtô được xử lý bởi người lao động kiếm được ít nhất 16 USD một giờ.
Trong những năm gần đây, các hãng ôtô và nhà cung cấp đã mở rộng hoạt động tại Mexico để tuân thủ các quy định thương mại mới. Năm 2019, BMW hoàn thành một nhà máy trị giá 1,5 tỷ USD tại San Luis Potosí để sản xuất xe sedan cỡ nhỏ. Cùng năm, Toyota bắt đầu sản xuất dòng bán tải Tacoma cỡ trung tại một nhà máy mới ở bang Guanajuato.
Các nhà sản xuất và đại lý ôtô hy vọng rằng mối đe dọa thuế quan của ông Trump chỉ là một chiến thuật đàm phán, và nhiều người đang áp dụng cách tiếp cận chờ đợi và quan sát.
General Motors (GM) có ba nhà máy lắp ráp lớn tại Mexico và sản xuất khoảng 33% số xe bán ra tại Mỹ ở quốc gia này.
Một số hãng ôtô đang bắt đầu cân nhắc các lựa chọn thay thế. Tom Donnelly, giám đốc khu vực Bắc Mỹ của Mazda, cho biết hãng xe Nhật Bản sản xuất dòng Mazda3 và SUV CX-30 tại Mexico.
Nếu áp dụng thuế quan mới, hãng có thể xem xét sản xuất thêm xe ở Alabama, nơi họ vận hành chung một nhà máy với Toyota, hoặc nhập khẩu từ Nhật Bản.
Những biện pháp này khó có thể bù đắp hoàn toàn cho thuế nhập khẩu từ Mexico, nơi chiếm khoảng 30% doanh số của công ty tại Mỹ.
Mỹ Anh (theo WSJ)