Theo nguồn tin của VnExpress, kết quả xét nghiệm mẫu A ghi nhận ít nhất sáu VĐV Việt Nam dương tính với chất cấm ở SEA Games 31, trong đó có ba VĐV điền kinh giành HC vàng và HC bạc. Tuy nhiên, danh tính của các VĐV không được công bố. Bởi, để đảm bảo quyền lợi, họ còn được kiến nghị xét nghiệm mẫu B. Các VĐV chỉ bị xác định vi phạm nếu Tổ chức Phòng chống Doping Thế giới WADA công nhận kết quả mẫu B.
Khi được hỏi về vấn đề này sáng 22/9, ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - cho hay: "Nguyên tắc của WADA là không đơn vị nào được công bố danh tính VĐV khi họ chưa có văn bản chính thức. Theo quy định, WADA sẽ gửi thông báo qua hai con đường. Một là Trưởng đoàn, và hai là Uỷ ban Olympic. Với tư cách Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, cho đến lúc này tôi chưa nhận được thông tin chính thức. Tuy nhiên, việc VĐV dính doping ở các đại hội thể thao là điều bình thường, dù Olympic, ASIAD hay SEA Games".
Ông Phấn sau đó lấy trường hợp của Trần Lê Quốc Toàn làm ví dụ. Tại Olympic 2012, đô cử này được kỳ vọng giành huy chương cho Việt Nam. Tuy nhiên, anh rời giải tay trắng khi đạt tổng cử 284 kg, kém 2 kg so với người giành HC đồng Valentin Hristov. Lúc đó, Quốc Toàn rất sốc, vì tám tháng trước còn bỏ cách Hristov hơn 20 kg. Bảy năm sau, anh nhận thông báo được đôn lên nhận HC đồng vì Hristov bị Liên đoàn Cử tạ Thế giới phát hiện dùng doping sau lần thứ ba kiểm tra lại mẫu thử tại Olympic 2012. Quốc Toàn sau đó phải chờ thêm hai năm mới được nhận tấm HC đồng, trong lễ xuất quân của đoàn thể thao Việt Nam cho Olympic Tokyo năm 2021.
"Quốc Toàn mất chín năm mới nhận được huy chương từ việc VĐV xếp trên dính doping. Qua đó, chúng ta có thể thấy quy trình xử lý những vụ việc này rất lâu nên chúng ta phải chờ", ông Phấn nói thêm.
Một VĐV nổi tiếng khác vướng tai tiếng chất cấm tại SEA Games 31 là Joseph Schooling, kình ngư từng đánh bại tượng đài bơi lội thế giới Michael Phelps để giành HC vàng 100m bơi bướm tại Olympic Rio 2021. Ngày 31/8, Bộ quốc phòng Singapore, đơn vị quản lý Schooling, thông báo VĐV này dùng ma túy trong thời gian tập huấn và thi đấu SEA Games 31.Tuy nhiên, WADA chưa có thông báo về việc Schooling dính doping. "Schooling tự thú là dùng cần sa. Đó là chất cấm nhưng chưa chắc đã dính doping, không phải là chất xét nghiệm ra doping. Thế nên chuyện xử lý VĐV thế nào vẫn phải chờ", ông Phấn nói.
Theo cựu HLV trưởng điền kinh Việt Nam Dương Đức Thuỷ, các VĐV điền kinh Việt Nam đủ sức cạnh tranh huy chương SEA Games mà không cần dùng doping, do đó có thể dính do vô tình như dùng thuốc bổ hay thuốc điều trị bệnh. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc xin xét nghiệm mẫu B cũng khó có thể đảo ngược kết quả mẫu A, bởi được chia ra từ cùng một mẫu ban đầu.
SEA Games 31 đã diễn ra từ ngày 12 đến 23/5 với sự góp mặt của trên 10.000 VĐV, cán bộ, trọng tài... đến từ 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Đoàn thể thao Việt Nam tham dự với 1.341 thành viên, trong đó có 956 VĐV, giành 205 HC vàng, 125 HC bạc, 116 HC đồng và đứng nhất toàn đoàn.
Tại Đại hội, ban tổ chức đã tiến hành kiểm tra doping ngẫu nhiên với gần 1.000 VĐV.
Trong lịch sử, thể thao Việt Nam ghi nhận 19 trường hợp dính doping kể từ SEA Games 2003. Trong đó có một số ca điển hình như á quân Olympic Hoàng Anh Tuấn hay "công chúa" thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương... Đa số các trường hợp này đều xuất phát từ việc thiếu kiến thức và kỹ năng phòng chống doping ở mức tối thiểu, bởi các loại thuốc họ sử dụng đều quá dễ bị phát hiện như thuốc lợi tiểu hay hỗ trợ năng lực đàn ông.
Lâm Thỏa