Theo nguồn tin của VnExpress, nhiều khả năng đây là hai thành viên đã mang về một HC vàng và một HC bạc cho đoàn thể thao chủ nhà.
Các VĐV này sẽ được xét nghiệm mẫu B để đối chiếu với mẫu A. Trong trường hợp kết quả tiếp tục dương tính, họ sẽ bị tước huy chương và đối mặt với án cấm thi đấu dài hạn.
Hiện, lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam chưa tiết lộ danh tính của VĐV vi phạm, và đang yêu cầu họ viết tường trình. Tiểu ban y tế của SEA Games 31 cho biết chưa biết chính xác số lượng VĐV Việt Nam dính doping, bởi chưa được thông báo hết về kết quả. Bên cạnh Việt Nam, nhiều thành viên của các đoàn thể thao khác cũng có xét nghiệm dương tính với chất cấm.
Cuối tháng 8, Bộ Quốc phòng Singapore kết luận hai VĐV bơi Joseph Schooling và Amanda Lim sử dụng ma túy khi tập huấn và thi đấu tại SEA Games 31. Tuy nhiên, họ chưa bị tước huy chương do chưa có kết quả xét nghiệm doping.
Chiều 14/9, đại diện Liên đoàn thể hình & cử tạ Việt Nam cũng thừa nhận trước thềm SEA Games 31 đã lấy mẫu kiểm tra VĐV và xác định được sáu trường hợp dương tính với chất cấm. Các VĐV vi phạm đã lập tức bị loại, không được đăng ký thi đấu SEA Game 31.
SEA Games 31 đã diễn ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận từ ngày 12 đến 23/5 với 40 môn thi, 526 nội dung với sự góp mặt của trên 10.000 VĐV, cán bộ, trọng tài... đến từ 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Đoàn thể thao Việt Nam tham dự với 1.341 thành viên, trong đó có 956 VĐV, giành 205 HC vàng, 125 HC bạc, 116 HC đồng và đứng nhất toàn đoàn.
Tại Đại hội, ban tổ chức đã tiến hành kiểm tra doping ngẫu nhiên với gần 1.000 VĐV.
Trong lịch sử, thể thao Việt Nam ghi nhận 19 trường hợp dính doping kể từ SEA Games 2003. Trong đó có một số ca điển hình như á quân Olympic Hoàng Anh Tuấn hay "công chúa" thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương... Đa số các trường hợp này đều xuất phát từ việc thiếu kiến thức và kỹ năng phòng chống doping ở mức tối thiểu, bởi các loại thuốc họ sử dụng đều quá dễ bị phát hiện như thuốc lợi tiểu hay hỗ trợ năng lực đàn ông.
Nghĩa Hưng