- Kết quả xét nghiệm mẫu A ghi nhận ít nhất sáu VĐV của Việt Nam dương tính với chất cấm ở SEA Games 31, trong đó có hai VĐV điền kinh nổi tiếng. Ông đánh giá thế nào về việc này?
- Tôi rất bất ngờ, nhất là khi nó liên quan đến VĐV giành HC vàng và HC bạc ở SEA Games vừa qua. Tôi đã rà lại để đoán xem đó là ai, nhưng rất khó. Ở cự ly dài là những VĐV nổi tiếng chăm chỉ, rèn luyện cực khổ để đạt thành tích cao nhiều năm nay. Ở tổ cự ly ngắn cũng thế. Từ nhiều năm qua Việt Nam độc bá các nội dung 100m, 200m... tại Đông Nam Á, đâu cần dùng doping để giành huy chương.
- Vậy theo ông, nguyên nhân nào khiến các VĐV Việt Nam có thể dính doping?
- Theo tôi, khó có khả năng VĐV Việt Nam chủ động. Họ đều biết nếu giành HC vàng thì chắc chắn bị kiểm tra doping, họ đâu ngu dại mà dính vào. Do đó, rất có thể các VĐV này đã vô tình, ví dụ như ốm đau nên tự ra ngoài mua thuốc điều trị. Trong thuốc kháng sinh có rất nhiều yếu tố có thể dính tới doping. Thậm chí, nếu dùng thuốc bổ mà không để ý cũng có thể có chất cấm.
Theo quy định, trước và trong thời gian đấu giải, VĐV phải tuân thủ quy tắc dùng thuốc của đội ngũ y tế. Ốm đau, sử dụng thuốc gì hay uống thuốc bổ nào đều phải qua bộ phận chuyên trách đánh giá. Nhưng ở Việt Nam, nhiều người có thói quen tự mua kháng sinh về sử dụng khi nhức đầu, sổ mũi... Hiểu biết về doping của VĐV vốn hạn chế. Tôi nói thật, trình độ dùng doping của Việt Nam không có đâu. Các chất đó rất hiếm khi lưu hành ở Việt Nam, đưa cho VĐV cũng không biết dùng thế nào. Y học thể thao của Việt Nam còn thiếu thốn. VĐV chấn thương còn thiếu bác sĩ điều trị, chưa nói đến chuyên môn doping.
Việc được xét nghiệm doping trước khi dự giải đấu lớn có lẽ là cách tốt nhất để bảo vệ VĐV. Ví dụ như đội tuyển thể hình trước khi dự SEA Games đã xét nghiệm, có sáu người dính và bị loại ngay. Tôi cho rằng cách làm này rất hay, nhưng chi phí là rào cản lớn.
- Sau khi mẫu A dương tính, VĐV có quyền dùng mẫu B xét nghiệm. Ông đánh giá thế nào về cơ hội "lật ngược thế cờ" của Việt Nam?
- Nói thực, mẫu A mà dương tính thì mẫu B khó thoát. Vì cùng từ một lọ xét nghiệm tách ra. Theo quy trình chuẩn của Tổ chức Phòng chống Doping Thế giới WADA, sau khi thi đấu xong, VĐV nào được chỉ định kiểm tra doping phải tự tay thực hiện. Họ sẽ tự lấy mẫu nước tiểu, tách làm hai lọ, niêm phong, dãn nhãn và ghi tên. Bên kiểm tra doping sẽ giám sát kỹ lưỡng, thậm chí theo vào để chứng kiến việc lấy nước tiểu, nhưng VĐV phải tự tay làm tất cả các quy trình để đảm bảo không có tác động bên ngoài.
Nếu mẫu A dương tính, VĐV có quyền yêu cầu xét nghiệm mẫu B nhưng phải tự chi trả phí, tự giám sát quá trình mở mẫu, có thể đổi phòng xét nghiệm. Kết quả mẫu B là kết quả cuối cùng nhưng thường rất khó có sai số.
Hiện, chưa có kết luận cuối cùng từ WADA về việc VĐV Việt Nam dính doping. Nếu dính, VĐV sẽ đối mặt nhiều hình phạt, từ tước huy chương, phạt tiền, cấm thi đấu trong thời gian nhất định. Nhưng theo tôi, nặng nhất là hình ảnh và danh dự của nền thể thao bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trường hợp của thể thao Nga những năm qua là sự việc đau lòng.
- Vì sao SEA Games đã kết thúc từ cuối tháng 5 mà tới lúc này VĐV của Việt Nam mới có kết quả xét nghiệm doping?
- Đó là chuyện bình thường. Giải thông thường thì một hoặc hai tháng, nhưng giải có số VĐV đông hay nhiều sự kiện đồng thời như SEA Games, việc có kết quả còn lâu hơn.
Việt Nam hiện không có phòng xét nghiệm doping. Cả thế giới cũng chỉ có 29 phòng. Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có một phòng. Châu Á có thêm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Sau khi có mẫu A, kết quả sẽ chuyển cho VĐV. Nếu dương tính, VĐV được yêu cầu xét nghiệm lại mẫu B. WADA chỉ cập nhật kết quả chính thức khi có kết quả mẫu B nên càng thêm mất thời gian. Tuy nhiên, việc chậm là cần thiết để đảm bảo tính chính xác và danh dự cho VĐV.
- Ông từng nắm tuyển điền kinh Việt Nam suốt 16 năm, dẫn dắt hàng loạt tên tuổi lớn như Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương... nhưng không có sự cố nào về doping. Đâu là bí quyết?
- Đầu tiên là giáo dục VĐV. Tôi cho họ niềm tin vào bản thân, có thể giành huy chương mà không cần chất kích thích. Và tôi cũng cho họ hiểu rằng dùng doping là "chơi dao", nếu bị phát hiện thì thân bại danh liệt, không chỉ bị tước huy chương mà đối mặt với những án phạt cấm thi đấu dài hạn, có thể tiêu tan sự nghiệp. Kế đó là cách quản lý VĐV. Tôi không quản lý qua giấy tờ, với những văn bản báo cáo mà phải xuống tận nơi xem VĐV ăn uống, tập luyện, sinh hoạt thế nào. Trực tiếp theo sát thì chỉ cần nhìn là biết VĐV có vấn đề gì hay không. Tôi cũng cực kỳ chặt chẽ với chuyện thuốc men. Tôi đi công tác vẫn mua thuốc bổ, thuốc quý về tặng cho VĐV. Nhưng tôi luôn đưa bác sĩ kiểm tra trước, còn đối với VĐV, tôi yêu cầu họ giữ lại vỏ hay vài viên để nếu có sự cố thì chứng minh không phải tại mình.
Lâm Thỏa - Hiếu Lương