"Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra nỗ lực rõ ràng và cụ thể về trường hợp Mạnh Vãn Chu, nêu rõ lập trường của Trung Quốc và đề nghị Mỹ giải quyết vấn đề một cách hợp lý càng sớm càng tốt", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay.
"Chính phủ Trung Quốc đã làm rất nhiều việc ở những cấp độ khác nhau, cung cấp sự bảo vệ và hỗ trợ lãnh sự cho bà Mạnh, nghiêm túc phản đối Mỹ và Canada, yêu cầu hủy bỏ các cáo buộc và cho phép bà Mạnh trở về Trung Quốc", người phát ngôn nói thêm.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng xác nhận Chủ tịch Trung Quốc đã đề cập tới trường hợp của giám đốc tài chính tập đoàn Huawei trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 9/9. Theo Psaki, ông Biden cũng thúc giục Bắc Kinh thả Michael Kovrig và Michael Spavor, hai công dân Canada bị bắt tại Trung Quốc ngay sau vụ bắt bà Mạnh với cáo buộc "tham gia các hoạt động đe dọa an ninh quốc gia".
Bà Mạnh bị bắt tại Canada vào tháng 12/2018 theo yêu cầu dẫn độ từ Mỹ với các cáo buộc về gian lận tài chính. Sau gần ba năm bị quản thúc tại gia ở thành phố Vancouver, giám đốc Huawei hôm 24/9 được trả tự do và về nước nhờ một thỏa thuận hoãn truy tố. Kovrig và Spavor cũng trở về Canada ngay sau khi bà Mạnh về Trung Quốc.
Tuy nhiên, Psaki bác bỏ quan điểm rằng việc thả bà Mạnh và hai công dân Canada là hành động "trao đổi tù nhân", nhấn mạnh "không có mối liên hệ" giữa hai trường hợp. "Hai lãnh đạo đã đề cập đến trường hợp của những cá nhân này, nhưng không có thỏa thuận nào về sự việc", Psaki đề cập đến cuộc điện đàm của lãnh đạo Mỹ - Trung.
Thư ký báo chí Nhà Trắng nói thêm rằng việc bà Mạnh được thả "không ảnh hưởng gì" đến chính sách của Washington đối với Bắc Kinh. Trong khi đó, bà Hoa cho rằng việc giải quyết trường hợp của giám đốc Huawei giúp "loại bỏ chiếc gai cắm sâu vào quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ", coi đây là một dấu hiệu "tích cực".
Ánh Ngọc (Theo SCMP)