Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, bị bắt tại sân bay ở thành phố Vancouver, Canada, theo yêu cầu dẫn độ từ Mỹ vào tháng 12/2018. Bà bị cáo buộc lừa dối ngân hàng HSBC và gian lận chuyển tiền, cố gắng che giấu hành vi vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Mỹ thông qua công ty Hong Kong Skycom, được cho là chi nhánh của Huawei.
Tuy nhiên, quy trình tố tụng diện hẹp này nhanh chóng leo thang thành cuộc chiến địa chính trị đầy căng thẳng giữa ba cường quốc trong ba năm tiếp theo. Theo bình luận viên Patrick Wintour của Guardian, vụ bắt bà Mạnh khiến cả Bắc Kinh, Ottawa và Washington bị mắc kẹt trong một tình thế không ai có lợi, ít nhất về mặt chính trị.
"Vụ xét xử dẫn độ bà Mạnh sẽ không bao giờ chỉ dựa vào quy định trong luật dẫn độ Canada, hay mức độ thành thật của bà với ngân hàng HSBC về quan hệ giữa Huawei và Skycom, công ty bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran", Wintour nhận định. Ngay từ đầu, sự cố đã mang đậm tính chính trị.
Bình luận viên này đánh giá tổng thống Mỹ Donald Trump đã "chính trị hóa" sự kiện một cách rõ ràng, khi tuyên bố ông sẽ can thiệp để hủy các cáo buộc với bà Mạnh nếu điều này giúp ích cho các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, điểm nóng căng thẳng giữa hai nước lúc đó.
Trong khi đó, phía Trung Quốc dường như cảm thấy bà Mạnh và Huawei đang bị lợi dụng như quân bài trong một cuộc chiến rộng lớn hơn, bởi việc truy tố nhắm vào một giám đốc tài chính, thay vì cả tập đoàn, được cho là rất bất thường so với các tiền lệ trước đây.
Hồi năm 2015, ngân hàng Deutsche Bank bị phạt 258 triệu USD vì vi phạm các lệnh trừng phạt liên quan đến Iran và Syria. Hãng chế tạo máy bay Airbus cũng bị giới chức Pháp điều tra trong một cáo buộc hối lộ, nhưng năm ngoái đã đồng ý trả 4 tỷ USD tiền phạt để dàn xếp vụ án. Không giám đốc nào của các tập đoàn này bị bắt.
Cùng với việc bà Mạnh là con gái của Nhậm Chính Phi, người sáng lập Huawei, vụ bắt càng bị coi là đòn tấn công cá nhân, nhắm vào một doanh nhân có tầm ảnh hưởng tại Trung Quốc, khiến Bắc Kinh quyết định đáp trả theo ba hướng.
Vài ngày sau vụ bắt bà Mạnh, Trung Quốc bắt hai công dân Canada, gồm cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor, với cáo buộc "tham gia các hoạt động đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc". Spavor hồi tháng 8 bị kết án 11 năm tù vì tội gián điệp, còn phán quyết đối với Kovrig chưa được tuyên bố.
Trong khi đó, Huawei đã chuẩn bị một trong những thách thức pháp lý phức tạp và tốn kém nhất đối với một lệnh dẫn độ, có khả năng mất nhiều năm để xử lý tại các tòa án Canada. Sau hai năm điều trần, tòa án dự kiến thông báo thời điểm ra phán quyết về việc dẫn độ bà Mạnh vào tháng 10. Quá trình điều trần tại Mỹ đáng lẽ cũng kéo dài tương tự, nhưng đã bị hủy.
Cuối cùng, chính phủ Trung Quốc dồn áp lực lên Canada trên nhiều mặt, bao gồm thương mại. Tháng 3/2019, Trung Quốc cấm nhập khẩu hạt cải dầu của Canada vì "phát hiện sâu hại". Ba tháng sau, Trung Quốc tiếp tục đình chỉ toàn bộ thịt bò và thịt lợn nhập khẩu từ Canada, với lý do phát hiện giấy chứng nhận thú y giả mạo, đến tháng 11/2019 mới nối lại.
Bị mắc kẹt giữa hai siêu cường và nhận thức được rằng cần thể hiện tính độc lập của các tòa án, Canada dường như cố gắng tránh hành vi khiêu khích. Họ vẫn chưa công bố quyết định về mạng 5G của Huawei, không đi đầu trong việc lên tiếng về vấn đề Đài Loan, cũng không tham gia AUKUS, thỏa thuận tàu ngầm giữa Mỹ, Australia và Anh khiến Trung Quốc tức giận.
Bình luận viên Wintour đánh giá trọng tâm của Canada là chiến lược ngoại giao im lặng, thể hiện rõ lập trường thông qua tuyên bố rằng việc Trung Quốc "bắt giam tùy tiện" là không thể chấp nhận, mặc dù ngay cả động thái ở mức độ này cũng khiến Bắc Kinh phản ứng dữ dội.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao đến bây giờ các bên mới đạt thỏa thuận trả tự do cho bà Mạnh, trong khi Bộ Tư pháp Mỹ cho biết thỏa thuận này không khác nhiều so với những điều khoản đã được thảo luận từ năm ngoái. Theo Wintour, nguyên nhân là bởi vào thời điểm đó bà Mạnh không thừa nhận bất cứ sai phạm nào.
Tuy nhiên, giám đốc tài chính Huawei sau đó có lẽ nhận ra cơ hội tránh bị dẫn độ sang Mỹ là rất thấp, dù đội ngũ luật sư đã đưa ra những bằng chứng mà họ cho rằng khá thuyết phục để chứng minh bà vô tội. Thẩm phán Canada không thể tổ chức một phiên tòa xét xử độc lập các cáo buộc, chỉ để xem xét những điều khoản cáo buộc này có bị coi là bất hợp pháp ở Canada hay không, và liệu giới chức có lạm dụng quy trình tố tụng hay không.
Trên thực tế, tại phiên điều trần hồi tháng 8, thẩm phán cho biết vụ kiện chống lại bà Mạnh dường như rất bất thường. Không ai bị thiệt hại tài sản, các cáo buộc đã có từ vài năm trước và HSBC, bên có nguy cơ trở thành nạn nhân, đã biết sự thật về Skycom ngay cả khi đơn kiện cho hay họ bị bà Mạnh "lừa gạt".
Dường như Mỹ cũng nhận ra những điểm không chặt chẽ trong các cáo buộc của mình, trong khi bà Mạnh ngày càng tức giận vì cơ hội tránh lệnh dẫn độ là rất thấp dù đã trưng nhiều bằng chứng trước tòa.
Bởi vậy, việc bà Mạnh đồng ý với một thỏa thuận của các công tố viên Mỹ tại New York được coi là giải pháp hợp lý cho tất cả. Theo thỏa thuận này, bà Mạnh đồng ý với một tuyên bố về các tình tiết trong vụ án, đổi lại công tố viên Mỹ sẽ đình chỉ các cáo buộc với bà cho tới ngày 1/12/2022, sau đó sẽ bỏ cáo buộc nếu giám đốc tài chính Huawei tuân thủ các điều khoản thỏa thuận.
Việc bà Mạnh trở về Trung Quốc, tháo gỡ thế bế tắc cho tất cả, được coi là món quà mừng tái đắc cử đối với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, khi hai công dân Kovrig và Spavor được Trung Quốc trả tự do. Hôm 25/9, Trudeau đến sân bay để đón hai công dân Canada.
"Hai người đàn ông này đã trải qua tình huống khó khăn không thể tin được, nhưng đây là nguồn cảm hứng và là tin tốt cho tất cả chúng ta", Thủ tướng Canada trả lời phóng viên.
Ánh Ngọc (Theo Guardian)