Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuần trước tới loạt nước châu Âu, trong chuyến công du đầu tiên đến châu lục này kể từ năm 2019. Ông khởi đầu chuyến công du bằng điểm dừng chân ở Pháp, nơi ông đối mặt với những câu hỏi hóc búa về thương mại và xung đột Ukraine.
Dù vậy, sau cùng, ông đã kết thúc chuyến thăm vào cuối tuần trước bằng một thông điệp rõ ràng, rằng bất chấp những xích mích với phần lớn khu vực, Bắc Kinh vẫn còn bạn bè ở một số quốc gia châu Âu.
Sức hút của Bắc Kinh đã được thể hiện rõ ở thủ đô Belgrade, Serbia, và Budapest, Hungary, nơi hàng loạt con đường được trang hoàng bằng cờ Trung Quốc. Khi Chủ tịch Tập và phu nhân Bành Lệ Viện hạ cánh xuống sân bay ở cả hai nước, họ được các vũ công dân gian chào mừng bằng màn nhảy múa sôi động.
Khi Chủ tịch Trung Quốc tới Pháp hôm 5/5, nước chủ nhà cử Thủ tướng trẻ tuổi Gabriel Attal ra sân bay Orly đón ông, thay vì Tổng thống Emmanuel Macron. Nhưng khi ông thăm Serbia và Hungary, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và Thủ tướng Hungary Viktor Orban đều có mặt ở sân bay để đón ông.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin đậm nét về cách Chủ tịch Tập được chào đón ở hai quốc gia này, khẳng định mối quan hệ "không thể lung lay" với Serbia và "tình hữu nghị vàng" với Hungary, hai quốc gia cùng nhận đầu tư lớn từ Trung Quốc.
Cả Hungary và Serbia đều cùng tuyên bố nâng cấp quan hệ với Trung Quốc, một chiến thắng mang tính biểu tượng với ông Tập mà các nhà phân tích cho rằng có thể đóng vai trò xoa dịu chính sách của châu Âu đối với Bắc Kinh trong các lĩnh vực khó khăn như thương mại, an ninh hay nhân quyền.
Nhưng giới chuyên gia cũng lưu ý ở phần còn lại của châu Âu, màn "trải thảm đỏ" như vậy dành cho Chủ tịch Trung Quốc có thể khó lòng được chấp nhận và nó phần nào cho thấy những bất đồng ngay trong chính khu vực về cách họ nên ứng xử thế nào với Bắc Kinh.
Mối quan hệ Trung Quốc - châu Âu đã bị rạn nứt bởi hàng loạt tranh cãi về kinh tế và điều này có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến thương mại toàn diện. Ngoài ra, châu Âu cũng đang ngày càng hoài nghi về tham vọng và ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, đặc biệt là việc Bắc Kinh vẫn giữ vững lập trường ủng hộ Moskva, trong đó có cáo buộc họ đang cung cấp các thiết bị lưỡng dụng để hỗ trợ chiến dịch của Nga ở Ukraine.
Chủ tịch Tập đã bị Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gây sức ép về những vấn đề này vào đầu tuần trước.
Tại Paris, ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc không đóng vai trò nào khác ngoài việc "góp phần vun đắp hòa bình" cho Ukraine và phủ nhận tình trạng hàng hóa công nghiệp "dư thừa" của Trung Quốc tràn ngập thị trường châu Âu.
Những căng thẳng trên biến mất khi ông gặp lãnh đạo Serbia và Hungary.
Philippe Le Corre, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc thuộc Viện Chính sách Xã hội châu Á, trụ sở tại New York, Mỹ, nhận định chuyến thăm Serbia và Hungary của ông Tập "gửi đi một thông điệp rất tích cực tới dư luận Trung Quốc rằng 'chúng ta vẫn có những người bạn thân ở châu Âu. Hungary và Serbia là những người bạn thực sự mà chúng ta có thể hợp tác kinh doanh'".
Theo giới quan sát, chuyến thăm của ông Tập tới Serbia và Hungary còn giúp ông hướng tới một mục tiêu khác là phá vỡ trật tự thế giới mà Trung Quốc lâu nay vẫn cho rằng do Mỹ thống trị.
Tổng thống Serbia Vucic đã trở thành lãnh đạo châu Âu đầu tiên ký tuyên bố chung về nỗ lực cùng Trung Quốc xây dựng "cộng đồng chia sẻ tương lai".
"Đó là mức độ hợp tác cao nhất của hai nước và tôi tự hào rằng với tư cách Tổng thống Serbia, tôi đã có cơ hội ký tuyên bố đó với Chủ tịch Tập", ông Vucic hôm 8/5 nói. Hai bên cũng ký hiệp định thương mại tự do cùng những cam kết khác về việc tăng nhập khẩu nông sản và mở chuyến bay thẳng.
Ông Tập cũng quảng bá về tầm nhìn này khi gặp Thủ tướng Orban ở Hungary, quốc gia thành viên của cả EU và NATO. Lãnh đạo Hungary đã đồng ý nâng cấp quan hệ hai nước lên "đối tác chiến lược toàn diện kiên định", bất chấp những lo ngại ngày càng tăng về Trung Quốc trong cả hai khối.
Các nhà phân tích đánh giá điều này có thể khuyến khích Hungary cản trở nỗ lực trong EU nhằm áp thuế với hàng hóa Trung Quốc để "giảm thiểu rủi ro". EU hoạt động theo cơ chế đồng thuận và các chính sách của khối sẽ khó được thông qua nếu bị Hungary phản đối.
Phát biểu tại Budapest hôm 9/5, Chủ tịch Tập dường như ám chỉ điều này, tuyên bố ông hy vọng Hungary sẽ sử dụng chức vụ chủ tịch luân phiên EU bắt đầu từ tháng 7 để "thúc đẩy sự phát triển ổn định và lành mạnh của quan hệ Trung Quốc - EU".
Hai lãnh đạo cũng ký khoảng 18 thỏa thuận ở nhiều lĩnh vực. Ông Tập tuyên bố hai nước sẽ "tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và tài chính", đồng thời thúc đẩy "các dự án trọng điểm", trong đó có tuyến đường sắt Budapest-Belgrade.
Cả Serbia và Hungary đều là những điểm đến lớn cho dòng vốn đầu tư Trung Quốc, trong đó Hungary nổi lên như một trung tâm sản xuất ngày càng quan trọng ở châu Âu đối với các nhà cung cấp ôtô Trung Quốc, đặc biệt là xe điện.
Tại Paris vào đầu tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã nói với các phóng viên rằng công ty BYD của Trung Quốc "được hoan nghênh" mở nhà máy tại nước này. Tuy nhiên, gã khổng lồ xe điện Trung Quốc dường như đã có lựa chọn của riêng mình, khi cam kết mở một nhà máy ở Hungary vào cuối năm ngoái.
Trung Quốc cũng có thể hy vọng các thỏa thuận như vậy sẽ khiến nhiều quốc gia khác ở châu Âu chú ý, qua đó xây dựng nhận thức rằng những nước có quan điểm rõ ràng về Trung Quốc sẽ được hưởng lợi so với các quốc gia khác đang bắt chước Mỹ nhằm kìm hãm nước này.
"Việc gần gũi với các quốc gia này phù hợp với thông điệp trong nước của Trung Quốc rằng có những 'quốc gia khôn ngoan' ở châu Âu thực sự hiểu Trung Quốc, và Bắc Kinh đang hợp tác với họ vì lợi ích của châu Âu", Liu Dongshu, phó giáo sư về các vấn đề công cộng và quốc tế tại Đại học City, Hong Kong, bình luận.
Dù có sức mạnh kinh tế hạn chế, với dân số 16 triệu người và tổng GDP bằng 1/10 của Pháp, Serbia và Hungary được cho là sẽ ngày càng trở nên có giá trị đối với Trung Quốc khi căng thẳng giữa Bắc Kinh với EU chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và nguy cơ về một cuộc chiến thương mại sắp xảy ra.
"Ông Orban và Vucic đều là những lãnh đạo phi tự do đang đặt đất nước của họ vào giữa các khối địa chính trị đối địch, với hy vọng tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào bất kỳ bên nào", Gabor Scheiring, phó giáo sư về chính trị tại Đại học Georgetown ở Qatar, nhận xét. "Đối với họ, chính sách đối ngoại hoàn toàn thực dụng về lợi ích kinh tế, không quan tâm đến những vấn đề khác".
Điều này có thể đem lại lợi thế cho Trung Quốc.
"Hungary và Serbia là những cửa ngõ chiến lược để Trung Quốc hướng tới châu Âu. Giá trị của hai quốc gia này với tư cách là cửa ngõ vào châu Âu sẽ tăng lên nếu chiến tranh thương mại leo thang", Scheiring lưu ý.
Dù vậy, chuyến công du cũng phơi bày những hạn chế của ông Tập ở châu Âu, trong đó có Trung và Đông Âu, nơi Bắc Kinh trước đây đã nỗ lực để tăng cường kết nối và xây dựng thiện cảm thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Nhưng nỗ lực tăng cường quan hệ của Trung Quốc với 16 quốc gia Trung và Đông Âu đang dần mất đi động lực, một phần vì các khoản đầu tư lớn vào BRI không được như mong đợi và cũng vì những lo ngại của khu vực với việc Trung Quốc bị cáo buộc hỗ trợ Nga trong chiến sự Ukraine.
"Mối quan hệ đối tác không giới hạn cũng như hỗ trợ về tinh thần và vật chất của Bắc Kinh dành cho Moskva đã khiến lãnh đạo và người dân của nhiều quốc gia Trung và Đông Âu tức giận", Tamas Matura, thành viên cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, trụ sở tại Brussels, Bỉ, cho biết. "Điều này chắc chắn đã làm suy yếu vị thế của Trung Quốc ở châu Âu".
Vũ Hoàng (Theo CNN, AFP, Reuters)