"Phương Tây đã thúc đẩy một cách cưỡng ép khái niệm và thể chế dân chủ, nhân quyền, lợi dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia khác", theo bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại phiên họp Bộ Chính trị hồi tháng 2 và được truyền thông nước này công bố hôm 15/6.
Ông Tập không đề cập tên quốc gia cụ thể nào, nhưng Trung Quốc những tháng gần đây cáo buộc Mỹ là nguyên nhân dẫn đến xung đột ở Ukraine cũng như những thách thức xuất hiện sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan, nội chiến Syria và các vấn đề an ninh ở Iraq.
"Dân chủ và nhân quyền không phải để trang trí", ông Tập nhấn mạnh trước 24 thành viên còn lại trong Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết sách cao nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo Chủ tịch Trung Quốc, một số nước phương Tây những năm gần đây phải đối mặt với tình trạng chia rẽ đảng phái chính trị gay gắt, sự bất tín nhiệm của chính phủ, rối loạn xã hội và bùng phát Covid-19 ngoài tầm kiểm soát.
"Phân cực chính trị, khoảng cách giàu nghèo và đối kháng sắc tộc ngày càng gia tăng. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa dân túy và bài ngoại đã phổ biến, trong khi các vấn đề nhân quyền ngày càng nổi cộm", ông lưu ý, đồng thời kêu gọi các quan chức "tham gia tích cực các vấn đề nhân quyền của Liên Hợp Quốc", gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các thể chế nhân quyền đa phương như vậy.
Trung Quốc những năm gần đây bị Mỹ và phương Tây chỉ trích vì các chính sách ở Tân Cương, Hong Kong và Tây Tạng. Tại phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva, Thụy Sĩ hôm 14/6, gần 50 nước ký tuyên bố chung cáo buộc Trung Quốc "ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ" ở Tân Cương.
Đại sứ Trung Quốc Chen Xu phản ứng giận dữ, chỉ trích các nước ký tuyên bố chung tung tin "dối trá và đồn thổi để công kích Trung Quốc". "Chúng tôi dứt khoát bác bỏ những cáo buộc này", ông Chen nói, đồng thời chỉ trích các quốc gia ký tuyên bố là "đạo đức giả" và "nỗ lực thao túng chính trị".
Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet được cấp quyền thăm Tân Cương tháng trước, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Hội đồng Nhân quyền LHQ tới Trung Quốc sau 17 năm. Tuy nhiên, bà phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt vì không lên tiếng cứng rắn hơn trước những hành vi bị cáo buộc của Trung Quốc trước và trong chuyến đi.
Trong cuộc họp với bà Bachelet qua video khi quan chức này thăm Tân Cương, ông Tập bảo vệ các chính sách của Trung Quốc và tuyên bố Bắc Kinh không chấp nhận bất kỳ bài rao giảng nào mang tính "bề trên, kẻ cả".
Những bình luận của ông Tập gợi nhớ đến bài phát biểu năm 2014 của ông, khi Chủ tịch Trung Quốc nói với hơn 100 quan chức rằng cần "kiên quyết đáp trả" bất cứ khi nào phương Tây đối đầu về nhân quyền.
"Chúng ta làm tốt, miễn là đáp ứng tiêu chuẩn của Trung Quốc và không cần phải nhìn vào tiêu chuẩn phương Tây hay quan tâm cách họ đánh giá chúng ta. Đối mặt với các nước phương Tây thường công kích Trung Quốc về nhân quyền, chúng ta phải kiên quyết đáp trả", ông Tập cho hay.
Trung Quốc không được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh về dân chủ do Nhà Trắng tổ chức năm ngoái. Nhưng vài ngày trước sự kiện này, Bắc Kinh đã tổ chức diễn đàn dân chủ quốc tế riêng theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của các học giả từ những nước đang phát triển.
Hồi tháng 2, Trung Quốc công bố báo cáo có tiêu đề "Vi phạm Nhân quyền ở Mỹ năm 2021", liệt kê cách thức "Mỹ thao túng chính trị, dẫn đến sự gia tăng mạnh ca tử vong do Covid-19, số người chết vì súng đạn cao kỷ lục và nền dân chủ giả tạo chà đạp lên quyền chính trị của người dân". Báo cáo cáo buộc "hành động đơn phương của Mỹ đã tạo ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo mới trên toàn cầu".
Trung Quốc bị cáo buộc giam và cưỡng bức lao động hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải huấn ở Tân Cương. Bắc Kinh bác bỏ, mô tả các cơ sở này là trung tâm giáo dục và dạy nghề nhằm đẩy lùi chủ nghĩa cực đoan.
Mỹ và một số nước phương Tây cho rằng hành động của Trung Quốc ở Tân Cương là "diệt chủng". Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thông qua luật cấm tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Tân Cương vì cáo buộc lao động cưỡng bức.
Trung Quốc nhiều lần chỉ trích phương Tây, gọi những cáo buộc trên là vô căn cứ, can thiệp công việc nội bộ, xuyên tạc sự thật, kiềm chế đà phát triển của nước này và vi phạm luật pháp quốc tế.
Huyền Lê (Theo SCMP)