Ông Putin ngày 7/6 lần đầu tiên bình luận về vụ vỡ đập Kakhovka ở tỉnh Kherson khi điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. "Hành động man rợ đã dẫn tới thảm họa nhân đạo và môi trường quy mô lớn", Điện Kremlin dẫn lời Tổng thống Putin.
Tổng thống Erdogan đáp lại rằng điều quan trọng là điều tra toàn diện sự việc. Ông đề xuất thành lập ủy ban điều tra gồm chuyên gia từ Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan cùng ngày cũng điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và đưa ra đề xuất tương tự.
"Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng làm mọi thứ trong khả năng đối với vấn đề này. Có thể sử dụng cơ chế đàm phán để giải quyết vấn đề, như từng làm với hành lang ngũ cốc", lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói.
Đập thủy điện Kakhovka trên sông Dnieper, thuộc khu vực Nga kiểm soát ở tỉnh Kherson, vỡ ngày 6/6, khiến 18 tỷ mét khối nước tràn xuống các thị trấn và khu vực đất canh tác ở hạ lưu. Hàng nghìn dân thường đã phải sơ tán khi nhiều căn nhà bị nhấn chìm. Giới chức Ukraine lo ngại về nguy cơ nước lũ cuốn trôi những quả mìn và gây ra dịch bệnh.
Hồ chứa của đập Kakhovka, thuộc nhà máy thủy điện cùng tên, có nhiệm vụ cung cấp nước làm mát cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và kênh đào Crimea. Đập Kakhovka được Liên Xô xây dựng năm 1950-1956, nằm cạnh thành phố Nova Kakhovka và cách thành phố Kherson khoảng 70 km.
Chính phủ Ukraine cáo buộc Nga gây nổ đập Kakhovka để tìm cách ngăn cản họ mở chiến dịch phản công. Trong khi đó, Moskva cho rằng Kiev pháo kích làm hư hại con đập nhằm tước nguồn cung cấp nước cho bán đảo Crimea và khiến dư luận không chú ý đến việc chiến dịch phản công lớn đang bị chùn bước.
Quan chức do Nga bổ nhiệm tại thành phố Nova Kakhovka ngày 7/6 nói rằng nước lũ bắt đầu rút. Phó chánh văn phòng tổng thống Ukraine Oleksiy Kuleba cũng bày tỏ hy vọng mực nước sẽ không dâng cao thêm vào cuối ngày 7/6.
Thổ Nhĩ Kỳ giữ vị trí trung lập trong cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine và duy trì quan hệ tốt với cả hai bên. Ankara đã đóng vai trò trung gian quan trọng, giúp các bên đạt thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen và trao đổi tù nhân.
Ngọc Ánh (Theo AFP/Reuters)