"Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này với chính phủ trong thời gian dài và một giải pháp được đưa ra sau nhiều tranh cãi", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói ngày 25/5, thông báo tăng lương hưu và lương tối thiểu ở nước này để đối phó với lạm phát leo thang và các lệnh trừng phạt của phương Tây.
"Từ 1/7, lương tối thiểu sẽ tăng 10%, lên 15.279 ruble/tháng (khoảng 257 USD)", Tổng thống Putin cho biết. Ông cũng cho hay lương hưu sẽ tăng 10% từ ngày 1/6.
Tổng thống Nga tuyên bố nhiệm vụ chính của chính phủ là đảm bảo thu nhập của người dân "vượt đáng kể so với mức sống tối thiểu".
Tổng thống Putin dự đoán lạm phát tại Nga không vượt quá 15% trong năm nay, đồng thời nhận định 2022 sẽ là một năm khó khăn đối với nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, ông Putin khẳng định điều này không liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
"Nhiều quốc gia không mở bất cứ chiến dịch quân sự nào như tại Bắc Mỹ hay châu Âu cũng hứng chịu lạm phát ngang bằng, thậm chí cao hơn chúng ta nếu nhìn vào cấu trúc kinh tế của họ", ông Putin nói.
Tỷ lệ lạm phát ở Nga trong tháng 4 là 17,8%, theo Reuters, trong khi tỷ lệ lạm phát cùng kỳ của Mỹ là 8,3%. Lương tối thiểu hiện nay ở Nga là 13.890 ruble (233 USD), còn lương hưu bình quân là 18.521 rouble (311 USD).
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine", phương Tây đã áp đặt loạt biện pháp trừng phạt chưa từng có nhằm vào Moskva.
Điều này được đánh giá khiến giá tiêu dùng tại Nga tăng cao, đồng thời cũng khiến nhiều công ty nước ngoài rút khỏi thị trường này, khi hoạt động thương mại gần như trở nên bất khả thi.
Viện nghiên cứu thuộc ngân hàng VEB nhận định quyết định tăng lương tối thiểu và lương hưu sẽ giúp làm chậm mức giảm thu nhập của người Nga sau khi tính đến lạm phát, song không ngăn được xu hướng này. VEB dự báo thu nhập khả dụng thực tế của người Nga sẽ giảm 7,5% trong năm nay và lương sẽ giảm gần 6%, bất chấp khoản tăng lương hưu và lương tối thiểu.
Nguyễn Tiến (Theo RIA Novosti, Reuters)