"Hợp tác tổng thể và chiến lược giữa Nga - Trung Quốc đã đạt đến mức cao chưa từng có và tiếp tục phát triển năng động", Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại diễn đàn năng lượng Nga - Trung ở Bắc Kinh sáng 19/10, trước khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc hai ngày.
"Một trong những lĩnh vực quan trọng của mối quan hệ này là hợp tác năng lượng, vốn ngày càng trở nên tích cực", ông nói thêm.
Igor Sechin, người đứng đầu tập đoàn dầu mỏ Nga Rosneft, phát biểu tại diễn đàn rằng hơn 75% hàng xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc liên quan đến năng lượng. Theo ông, trong năm 2023, Nga vượt Arab Saudi, trở thành nhà cung cấp dầu chính cho Trung Quốc.
Nga đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt lớn của phương Tây do chiến sự ở Ukraine. Trong bối cảnh châu Âu đang tìm cách cắt quan hệ năng lượng với Nga, Moskva hướng về phía đông, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, để xuất khẩu dầu khí.
Chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Putin được coi là một phần trong nỗ lực tăng cường quan hệ đối tác kinh tế của Nga với các nước châu Á.
Nhưng chuyến đi dường như không đưa tới bước đột phá với Trung Quốc về Power of Siberia 2, tuyến đường ống dẫn khí đốt khổng lồ thông qua Mông Cổ tới Trung Quốc mà Nga muốn xây dựng. Sáng kiến này sẽ xuất khẩu khí đốt từ các mỏ ở Siberia mà Nga từng cung cấp cho châu Âu, có khả năng tăng gấp đôi khối lượng Nga có thể chuyển sang Trung Quốc thông qua đường ống.
Ông Putin hôm 17/10 đảm bảo với người đồng cấp Mông Cổ rằng thỏa thuận về Power of Siberia 2, sẽ đi qua thảo nguyên Mông Cổ để đến đông bắc Trung Quốc, đang đi đúng hướng.
"Mọi người đều đồng ý với dự án này. Vấn đề còn lại là việc thực hiện. Tôi nghĩ quá trình đó sẽ diễn ra với tốc độ tốt", Tổng thống Nga cho hay.
Nga hy vọng sẽ bắt đầu xây dựng đường ống vào năm 2024, nhưng không có tuyên bố công khai nào từ quan chức Nga hay Trung Quốc rằng hai bên đã đạt được thỏa thuận trong thời gian ông Putin ở Bắc Kinh.
Alexei Miller, người đứng đầu tập đoàn khí đốt Nga Gazprom, hôm nay ca ngợi xuất khẩu khí đốt thông qua đường ống Power of Siberia đã tăng 46,6% trong năm nay. Nga triển khai đường ống này vào năm 2019, theo hợp đồng mang tính bước ngoặt có thời hạn 30 năm trị giá 400 tỷ USD với Trung Quốc.
Power of Siberia sẽ tăng lên công suất tối đa 38 tỷ m3 mỗi năm, dù con số này thấp hơn công suất 55 tỷ m3 của mỗi đường ống Nord Stream giữa Nga và Đức. Việc xây dựng đường ống Power of Siberia 2 có thể sẽ khiến Trung Quốc dựa nhiều hơn vào nguồn khí đốt từ Nga.
Huyền Lê (Theo AFP)