Theo luật được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký thông qua và công bố ngày 28/2, Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START), thỏa thuận kiểm soát hạt nhân cuối cùng giữa Moskva và Washington, đã bị đình chỉ. Luật có hiệu lực kể từ thời điểm được công bố.
Nội dung luật có điều khoản quy định việc Moskva quay lại New START sẽ hoàn toàn do Tổng thống Nga quyết định.
Ông Putin cũng đã ký luật chấm dứt các điều ước quốc tế của Hội đồng châu Âu với Nga.
Thượng viện Nga thông qua dự luật sau cuộc bỏ phiếu trong phiên họp ngày 22/2. Hạ viện Nga trước đó cũng đưa ra quyết định tương tự. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 28/2 khẳng định Nga sẽ không tham gia New START với Mỹ tới khi nào Washington lắng nghe lập trường của Moskva.
New START được ký tại Cộng hòa Czech năm 2010 dưới thời tổng thống Nga Dmitry Medvedev và tổng thống Mỹ Barack Obama. Hiệp ước có hiệu lực năm 2011 và được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Thỏa thuận giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai, cũng như số tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm để mang chúng.
New START là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại giữa hai cường quốc sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân nhất thế giới, sau khi Mỹ hồi năm 2018 quyết định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm xa (INF) ký với Nga.
Trong Thông điệp Liên bang ngày 21/2, Tổng thống Putin gọi New START là di sản của thời kỳ Nga - Mỹ không coi nhau là đối thủ. "Phương Tây tìm cách gây thất bại chiến lược cho chúng tôi và len lỏi vào các cơ sở hạt nhân của chúng tôi. Hôm nay tôi buộc phải thông báo rằng Nga sẽ ngừng tham gia", ông cho hay.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ trích Nga đình chỉ tham gia New START là "vô trách nhiệm và vô cùng đáng tiếc". Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và nhà ngoại giao hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cảnh báo động thái của Nga có thể đánh dấu sự kết thúc của cấu trúc kiểm soát vũ khí thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Moskva và Washington đang sở hữu 90% số đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới. Nga có 5.977 đầu đạn vào thời điểm đầu năm 2022, trong đó hơn 1.600 có thể sẵn sàng được sử dụng. Mỹ biên chế 5.428 đầu đạn, với 1.750 chiếc sẵn sàng chiến đấu.
Huyền Lê (Theo TASS)