"Mỹ, đối tác chính của Liên minh châu Âu (EU), đang theo đuổi các chính sách dẫn trực tiếp đến quá trình phi công nghiệp hóa châu Âu. Thế mà họ thậm chí còn cố phàn nàn điều đó với chúa tể Mỹ của họ. Đôi khi, họ hỏi trong giận dữ 'Sao ngài làm thế với chúng tôi'", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp với Hội đồng Phát triển Chiến lược và Dự án Quốc gia Nga hôm 15/12.
"Tôi chỉ muốn hỏi EU rằng 'Các vị mong đợi điều gì?'. Còn gì có thể xảy ra với những người để người ta lau chân lên chính mình đây", ông Putin nói thêm.
Theo Tổng thống Nga, những khó khăn kinh tế hiện nay ở EU và "thái độ không thân thiện" của Mỹ đối với châu Âu là hậu quả trực tiếp từ sự yếu kém của các lãnh đạo trong liên minh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Phát triển Chiến lược và Dự án Quốc gia Nga hôm 15/12. Ảnh: AFP.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đầu tháng này kêu gọi EU "hành động" nếu muốn cạnh tranh với ngành công nghiệp xanh do chính phủ Mỹ tài trợ và giải quyết "những méo mó" do chính sách giảm lạm phát của Mỹ gây ra. Bà chỉ trích việc Washington giảm thuế cho người tiêu dùng mua sản phẩm Mỹ, được đưa ra theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) do Tổng thống Joe Biden ký vào tháng 8, cảnh báo những sáng kiến như vậy có thể "dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, đóng cửa thị trường và làm phân mảnh các chuỗi cung ứng quan trọng".
IRA, với tổng ngân sách 430 tỷ USD, được Mỹ thông qua hồi tháng 8 nhằm tăng tốc quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế ít carbon. IRA bao gồm khoảng 370 tỷ USD trợ giá cho năng lượng xanh, giảm thuế cho các xe điện do nước này sản xuất. Đạo luật còn hỗ trợ các chi tiêu xã hội để kiểm soát lạm phát.
EU chỉ trích IRA, coi đây là biện pháp phản cạnh tranh và có thể cướp việc làm tại châu Âu, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và ôtô. IRA cũng được coi là một trong những nguyên nhân chính khiến các nước châu Âu và Mỹ hục hặc do hệ lụy từ cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trong cuộc họp với Hội đồng Phát triển Chiến lược và Dự án Quốc gia Nga, ông Putin lưu ý cuộc khủng hoảng kinh tế ở EU phần lớn bắt nguồn từ hành động của chính khối này khi nhắm vào Nga bằng những biện pháp trừng phạt liên quan xung đột Ukraine.
"Chính xác thì bản thân châu Âu đã đạt được gì khi áp đặt các hạn chế? Trước hết là sự gia tăng lạm phát chưa từng có trong chính quê hương của họ, khu vực đồng euro. Vào tháng 11, lạm phát lên tới 10% trên toàn bộ khu vực đồng euro, một số quốc gia đưa ra con số lớn như hơn 20%, thậm chí 25%", ông Putin lưu ý.
Các quan chức hàng đầu khác của EU nhiều lần bày tỏ lo ngại sắp xảy ra suy thoái và khả năng phi công nghiệp hóa kéo dài hàng thập kỷ. Hồi đầu tháng 10, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nói rằng nếu Brussels không khắc phục được tình hình giá năng lượng tăng vọt, nó có thể dẫn đến quá trình phi công nghiệp hóa lớn của châu Âu và hậu quả về lâu dài có thể rất nặng nề.
EU hiện chưa bình luận về những phát biểu của ông Putin.
Huyền Lê (Theo RT, AFP)