Như nhận xét của Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Diễn đàn Kinh tế tư nhân diễn ra ngày 2/5 tại Hà Nội đã chứng kiến những cuộc đối thoại công tư thẳng thắn trên nhiều lĩnh vực.
Lần đầu tiên ở Việt Nam có một mô hình Diễn đàn - nơi giới doanh nghiệp tư nhân đồng thời đưa ra quan điểm, đề xuất và hiến kế ở 6 lĩnh vực kinh tế then chốt, sau đó cùng đối thoại với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ ban ngành để cùng tìm giải pháp thúc đẩy khối tư nhân cũng như nền kinh tế.
Với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, Diễn đàn quy tụ 105 lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hơn 200 lãnh đạo Bộ ngành, địa phương, gần 2.000 Doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân.., cộng thêm cả nghìn người tham dự 7 Hội thảo chuyên đề diễn ra song song vào buổi sáng.
Mô hình hiến kế và đối thoại đem đến những kết quả đắt giá, tạo cơ sở để Ban tổ chức gửi các kiến nghị đến Bộ, ban, ngành và đôn đốc giám sát sau sự kiện nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.
Xem lại 7 Hội thảo chuyên đề:
Vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét khát vọng vươn lên của khu vực kinh tế tư nhân ngày càng rõ nét, nhất là trong hai năm qua. Tư nhân đang tạo ra khoảng hơn 42% GDP, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường.
Chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, Thủ tướng nói. Quan điểm này hai được nhắc lại bởi ông Nguyễn Văn Bình với kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế.
Vậy Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy động lực kinh tế tư nhân
Để giải đáp câu hỏi này, đại diện khối tư nhân từ nhiều tổ chức, Hiệp hội, các doanh nghiệp dẫn dắt và cả chuyên gia nước ngoài đã dành hơn một tiếng đồng hồ - mỗi người có 3 phút - để đưa ra các kiến nghị, hiến kế từ lĩnh vực và kinh nghiệm của mình.
Trong lĩnh vực dệt may, Chủ tịch Hiệp hội Vũ Đức Giang cho rằng để nâng kim ngạch lên 40 tỷ USD trong năm nay và phát triển bền vững các năm sau, Việt Nam cần điều chỉnh định hướng quy hoạch của ngành, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nguyên phụ liệu.
Đại diện cho giới hàng không tư nhân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietjet Air Nguyễn Thanh Hà đề nghị tư nhân được tham gia đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay, đồng thời muốn được đối xử bình đẳng như các loại hình hàng không khác.
Lĩnh vực ôtô có hai đại diện cất tiếng nói tại Diễn đàn là VinFast và THACO. Trong khi VinFast quan tâm đến vấn đề đầu tư ứng dụng công nghệ cao, nguồn nhân lực, công nghiệp phụ trợ, THACO đưa ra kiến nghị về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước để giảm giá thành.
Với các tổ chức nước ngoài, Việt Nam đã có bước tiến nhảy vọt về môi trường đầu tư trong những năm qua, thậm chí là nền kinh tế hấp dẫn nhất khu vực trong mắt các doanh nghiệp Mỹ quan tâm đến ASEAN. Nhờ đó, Việt Nam hưởng cơ hội lớn với nguồn vốn đầu tư nước ngoài dồi dào, nhiều quốc gia phải thèm muốn như nhận xét của giám đốc cấp cao khu vực của Ngân hàng IFC.
Tuy vậy, để thu hút hơn nữa nguồn vốn đầu tư, vẫn còn nhiều khía cạnh cần phải cải thiện. Thủ tục hành chính rườm rà, các quy trình thủ tục hải quan khiến cộng đồng doanh nghiệp từ Nhật Bản và châu Âu lo ngại.
Bên cạnh đó, chính sách không nhất quán, thay đổi bất ngờ khó dự báo được nhiều đại diện nêu ra. Đơn cử, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) cho biết chính sách ưu đãi thuế thu nhập cho các công nhân của một doanh nghiệp bất ngờ bị chấm dứt bởi một Nghị định. Tương tự, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản nhận xét tính dự báo của chính sách pháp luật Việt Nam thấp, nhiều khi chính sách thay đổi đột ngột khiến họ không kịp thay đổi, sản xuất đình trệ.
Các tổ chức quốc tế đưa ra nhiều hiến kế cho Việt Nam nhằm cải thiện môi trường đầu tư như sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên, năng lượng; gia tăng phát triển kỹ năng cho địa phương, chuyển giao R&D; đưa ra chính sách ưu đãi táo bạo hơn cho các ngành công nghiệp triển vọng như xe điện và năng lượng mới.
Sau các phần hiến kế trực tiếp của đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp tư nhân, Diễn đàn lắng nghe tổng hợp hiến kế từ 6 phiên Hội thảo chuyên đề diễn ra trong buổi sáng cùng ngày về các lĩnh vực như Du lịch, Kinh tế số, Nông nghiệp, Vốn – tài chính và sau đó đối thoại, trả lời từ các bộ ngành về vấn đề liên quan.
Với đề xuất được nhiều người quan tâm trong lĩnh vực du lịch là cởi trói visa để thúc đẩy số lượng khách, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết nhận định hiện nay bản thân công dân Việt Nam rất khó để xin visa và đây là lưu ý khi thực hiện chính sách thị thực nhằm đảm bảo tính chất có đi có lại cũng như quyền lợi của công dân Việt. Hiện Việt Nam đơn phương miễn thị thực cho công dân 13 quốc gia; và áp dụng cấp visa điện tử cho 8 nước.
Trước đó, visa là chủ đề được quan tâm từ Diễn đàn Cấp cao Du lịch hồi tháng 12/2018 đến phiên Hội thảo chuyên đề Du lịch sáng 2/5. Nhiều chuyên gia, người làm du lịch nhận định nếu miễn visa cho nhiều nước, doanh thu từ du lịch sẽ càng tăng mạnh, gia tăng thu hút khách du lịch nhà giàu.
Còn với nhiều ý kiến về chính sách không nhất quán, thay đổi liên tục của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận hiện có sự chồng chéo giữa các bộ luật và cho biết Bộ đang rà soát để đưa ra phương án giảm thiểu tình trạng này.
Trước nhiều ý kiến của doanh nghiệp về thủ tục hành chính, nhũng nhiễu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hải quan cắt giảm thủ tục thông quan, tiết kiệm thời gian và tiền bạc đáng kể trong năm 2017. Năm 2018, các bộ ngành trình 50 văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến nhiều thay đổi.
Nhờ đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 69/190 quốc gia lãnh thổ, năng lực cạnh tranh toàn cầu xếp thứ 77/140, chỉ số ngành du lịch logistic đứng thứ 39/160, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 26 bậc.
Trong lĩnh vực hàng không tư nhân, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể tán thành với mong muốn tham gia vào xây dựng cơ sở hạ tầng. Ông cho biết Chính phủ có chủ trương huy động mọi nguồn vốn để nâng cấp hạ tầng giao thông vận tải. Thực tế một số tập đoàn tư nhân đã tiên phong trong việc đầu tư hạ tầng như sân bay Vân Đồn do Sun Group xây dựng hay Vietjet xây dựng hạ tầng hàng không...Hiện Bộ có nhiều dự án xây dựng sân bay như ở Sapa, Lai Châu... và sẵn sàng mời gọi các nhà đầu tư tư nhân nếu có phương án hợp lý.
Cần có những con sếu đầu đàn trong nền kinh tế tư nhân
Xuyên suốt 6 phiên hiến kế, nhiều ý kiến nhận định Việt Nam cần có những doanh nghiệp dẫn dắt trong nhiều ngành để tạo chuỗi liên kết, thúc đẩy động lực tăng trưởng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy vậy, như nhận xét của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình cuối phiên Toàn thể, trong top 10 doanh nghiệp đóng thuế cao nhất thì có 5 doanh nghiệp nhà nước và 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chưa xuất hiện doanh nghiệp tư nhân.
Kinh tế tư nhân hiện chiếm khoảng 40% GDP, phấn đấu đạt 60% trong năm 2030. Để có được điều này, Việt Nam cần có những con sếu đầu đàn trong thành phần kinh tế tư nhân, thông qua việc định hướng chính sách, lắng nghe, tiếp cận và đội thoại, từ đó chọn lọc và phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, phát triển thành phần kinh tế tư nhân; hỗ trợ cải cách hành chính.
Lần đầu triển lãm thành tựu kinh tế tư nhân
Với quy mô lớn quy tụ hàng nghìn doanh nghiêp, Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 có phần Triển lãm thành tựu kinh tế tư nhân Việt Nam. Gần 30 gian hàng triển lãm tại đây là gần 30 câu chuyện thành công tiêu biểu do các doanh nghiệp mang tới. Ví dụ, gian hàng Sun Group nổi bật với hình ảnh cây Cầu Vàng đã mang hình ảnh Việt Nam, Đà Nẵng cũng như doanh nghiệp ra thế giới. Gian hàng của Tourzy đưa người xem đến trải nghiệm các cảnh đẹp trên khắp Việt Nam. Nhà sản xuất VinFast mang đến triển lãm những chiếc xe đầu tiên do người Việt làm ra. Triển lãm sẽ tiếp tục mở cửa đến ngày 3/5.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì. Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Báo điện tử VnExpress và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức.
Chương trình có sự đồng hành của Hãng hàng không Vietjet Air, thương hiệu tôn Colorbond từ Bluescope, Ngân hàng Agribank, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Vietcombank, Tập đoàn TH, VinFast, Grab, Tập đoàn T&T, Ngân hàng TPBank, Ngân hàng Quân đội (MB),Ngân hàng Bắc Á Bank, Tân Hiệp Phát, THACO, BIM Group, MXP, Habeco, Logivan, Tourzy, CMC, VNPT, Hiệp Phước, Tomochain, Netnam, Dược Hà Nội, Dược CVI, TTC group.
Xem diễn biến chính