Cũng như sự kiện chuyên đề Vốn - Tài chính diễn ra năm ngoái, phiên hiến kế về Tài chính - Tín dụng sáng nay kéo dài gần 4 giờ đồng hồ. Dù đơn thuần chỉ đưa ra những giải pháp - tiếp nối những vấn đề đã đặt ra trước đó nhưng với nhiều người tham dự nhiều thông tin mới được cập nhật đồng thời gợi mở thêm các hướng đi về vấn đề vốn trung và dài hạn của Việt Nam.
Tín nhiệm - điểm yếu của doanh nghiệp phát hành trái phiếu
Phiên thảo luận đầu tiên có chủ đề "Khơi thông tín dụng trung - dài hạn và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam" nhận khá nhiều ý kiến chia sẻ, phát biểu thậm chí doanh nghiệp còn chủ động xin được lên tiếng.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa nhận sự mất cân đối giữa kênh cung ứng vốn ngân hàng và thị trường vốn còn rất bất cập. Tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn khoảng 50,6% tổng dư nợ tín dụng. Thực trạng này đã, đang tạo sức ép và rủi ro rất lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng.
Nguyên nhân được Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra gồm: phía doanh nghiệp chưa có báo cáo kế hoạch kinh doanh dài hạn, chưa quen sử dụng vốn dài hạn và xây dựng các kế hoạch dài hơi. Doanh nghiệp còn ngại công bố thông tin, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, thị trường thiếu vắng các nhà đầu tư chuyên nghiệp, tính thanh khoản của trái phiếu chưa cao, chưa có các tổ chức xếp hạng tín dụng tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư...
Tại sự kiện, nhiều chuyên gia đều nhận định thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn tốt cho nền kinh tế. Ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay thị trường chứng khoán mới có từ năm 2000 song phát triển nhanh và tương đối bền vững. Mỗi năm, thị trường này tăng trưởng bình quân 25%.
"Hiện, trên 1.000 doanh nghiệp niêm yết, tỷ lệ các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa lớn. Huy động vốn qua thị trường chứng khoán tốt", Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói.
Về giải pháp ông nhấn mạnh thêm, Bộ Tài chính đang chỉ đạo Sở Chứng khoán Hà Nội xây dựng cổng thông tin để các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Bộ cũng đệ trình Luật chứng khoán sửa đổi tạo ra khung pháp lý hoàn chỉnh.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho rằng, sự thay đổi của thị trường chứng khoán là tích cực, từ năng lực doanh nghiệp đến nhà đầu tư... Tuy nhiên, theo ông việc hình thành kênh trái phiếu cho doanh nghiệp là mục tiêu xa vời. Bởi các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu phải đạt mực độ tín nhiệm nhất định cũng như trình độ phát triển tốt. Doanh nghiệp vừa và nhỏ khó đáp ứng yêu cầu này.
Đại diện Bộ Tài chính cho hay khuôn khổ pháp lý về định mức tín nhiệm đã có, song cung phải đáp ứng cầu. Khái niệm này hiện chỉ giới hạn trong các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tại một số nước phát triển, chỉ số tín nhiệm là ưu tiên của nhà đầu tư hoặc là điều kiện để các công ty niêm yết trên thị trường.
Hiệu quả quỹ hưu trí tự nguyện phụ thuộc tâm lý người dân
"Dân đang đầu tư ở đâu?" là câu hỏi được người điều phối - chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đề cập với các diễn giả tại phiên thảo luận thứ hai về Quỹ hưu trí tự nguyện.
Trước khi trả lời vấn đề, đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính - Phan Thị Thanh Hiền cho biết việc phát triển quỹ hưu trí phụ thuộc vào tâm lý của người dân bởi họ luôn cân nhắc đầu tư kênh nào hiệu quả hơn. Đầu tư vào các sản phẩm của các công ty quản lý quỹ, lợi nhuận khoảng 15-17% khá hấp dẫn nên hầu hết nhà đầu tư có kinh nghiệm tham gia kênh này.
Do đó, theo đại diện Bộ Tài chính việc phát triển quỹ hưu trí cần có sự phối hợp giữa Chính phủ, các doanh nghiệp. Nếu lãi suất thị trường vốn đi xuống thì lãi suất ngân hàng nên giảm tương ứng. Ngoài sự tham gia của người dân, các doanh nghiệp cũng cần có chính sách để hỗ trợ người lao động.
Giám đốc điều hành VinaCapital Vietnam Opportunity Fund ông Andy Ho đề cập đến nhiều giải pháp giúp phát triển quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam. Trong đó ông nêu bật việc tăng cường hợp tác với nhà nước, giúp người dân hiểu được sự an toàn, mục tiêu của quỹ hưu trí tự nguyện mang lại cho họ kênh phân phối rõ ràng...
Chia sẻ ý kiến về vấn đề này, ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, thời gian tới cần truyền thông thêm về quỹ hưu trí tự nguyện. Các ngân hàng hoạt động theo luật tín dụng, các công ty quỹ lại có quy định khác nhau... nên việc phát triển quỹ hưu trí cũng cần có hàng lang pháp lý rõ ràng.
Thuế và niềm tin quyết định việc vận hành quỹ bất động sản
Sau thời gian giải lao, hội trường phiên Tài chính - Tín dụng vẫn kín chỗ người tham dự. Với chủ đề "Thúc đẩy phát triển quỹ đầu tư bất động sản tại Việt Nam" theo ông Cấn Văn Lực đây không phải là câu chuyện mới bởi quỹ đầu tư bắt động sản đã manh nha từ năm 2012.
Là người có nhiều năm quản lý lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhấn mạnh trước đây, tăng trưởng dư nợ tín dụng trong ngành bất động sản cao hơn tốc độ trung bình, đạt 18% vào năm 2016, trong khi thị trường chung chỉ 12%. Đến năm 2017, con số này lại ngược lại. "Dòng tiền vào bất động sản giảm mạnh", ông Nam nói.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, quỹ bất động sản cho phép đầu tư vào dự án chưa hoàn thành mới thực sự là động lực cho các dự án đang triển khai trên thị trường.
Hành lang pháp lý cho quỹ đầu tư bất động sản cũng được chuyên gia đề cập. Ông Phi Vân Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết khi chuyển đổi bất động sản vào quỹ cần có sự điều chỉnh rõ ràng của chính sách thuế. Tổ chức cũng như cá nhân góp tài sản bất động sản vào quỹ đều được các doanh nghiệp ghi chép. Nếu gộp vào quỹ, các doanh nghiệp cần đánh giá lại theo thị trường.
Với vai trò là công ty đầu tư quỹ, bà Dương Trần - đại diện VinaCapital đồng tình với ý kiến của ông Nam về vấn đề thuế. Bên cạnh đó, theo bà việc chuyển nhượng cũng là rào cản khiến quỹ đầu tư bất động sản khó phát triển.
Xem diễn biến chính