7h15 sáng 10/12, 4 cảnh sát dẫn giải cựu chủ tịch Hà Nội vào phòng xét xử. Ông Chung tay cầm tài liệu, bước nhanh, không nhìn hai bên. Hơn 30 phút trước, hai bị cáo Võ Tiến Hùng (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) và Nguyễn Trường Giang cũng được áp giải tới toà.
Dự kiến trong hai ngày, ba bị cáo ra tòa về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; theo khoản 3 điều 356 Bộ luật Hình sự; khung hình phạt 10-15 năm tù.
Là người đầu tiên trả lời thẩm vấn, ông Chung đứng thẳng, chắp tay phía trước, trả lời rõ từng câu hỏi. "Bị cáo có tiền án nào chưa?", chủ toạ thẩm vấn. Ông Chung nhỏ giọng hơn, nói: "Tôi có một bản án của toà". Chủ tọa thông báo, tại bản án ngày 11/12/2020, ông bị TAND Hà Nội xử phạt 5 năm tù về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.
Ông Chung sau đó đề nghị HĐXX triệu tập tất cả người liên quan, có mặt trong buổi làm việc tại bờ hồ Hoàn Kiếm vào ngày 31/7/2016. Trong đó có Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Hùng (đã nghỉ hưu) và một số cán bộ, nhân viên kỹ thuật của công ty thoát nước.
Ông Chung cũng đề nghị triệu tập những người liên quan đề xuất, đàm phán mua chế phẩm Redoxy-3C.
Cựu chủ tịch thành phố đề nghị luật sư thay mặt cung cấp cho toà các bản dịch từ băng ghi âm mà ông cùng các lãnh đạo UBND Hà Nội tiếp Tổng giám đốc Công ty Watch Water (Đức) vào chiều 25/6/2016 tại trụ sở UBND Hà Nội; văn bản ông thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND thành phố ký gửi Thường trực Thành ủy báo cáo kết quả thử nghiệm chế phẩm Redoxy-3C do Công ty Thoát nước Hà Nội thực hiện; văn bản đồng ý của Thường trực Thành ủy ngày 8/12/2016; Nghị quyết số 31 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về công tác xử lý ô nhiễm môi trường...
Luật sư của ông Chung đề nghị HĐXX triệu tập thêm đại diện UBND phường Trúc Bạch và Thành Công, đại diện Văn phòng Thành uỷ Hà Nội. Luật sư cho rằng hai phường này liên quan đánh giá hiệu quả làm sạch nước hồ trên địa bàn.
Bào chữa cho bị cáo Võ Tiến Hùng, luật sư Trần Hồng Phúc đề nghị toà triệu tập bổ sung ông Nguyễn Lê (nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Thoát Nước Hà Nội), ông Phạm Công Bình (nguyên Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội), ông Nguyễn Doãn Toản (nguyên Phó chủ tịch Hà Nội), đại diện Cục Hoá chất (Bộ Công Thương)...
Luật sư Phúc còn đề nghị HĐXX thu thập công văn của Cơ quan điều tra gửi UBND Hà Nội về việc đề nghị xử lý kỷ luật một số lãnh đạo, cán bộ của UBND Hà Nội, Sở Tài chính, Sở Xây dựng và Công ty TNHH MTV Thoát nước.
"Khi có văn bản này chúng tôi mới có cơ sở xem xét, trình bày để làm rõ hành vi và vai trò của những người đó tại phiên toà", luật sư Phúc nói.
Theo cáo trạng, đầu năm 2016, Hà Nội chủ trương thay đổi công nghệ xử lý cũ bằng cách dùng chế phẩm mới để xử lý ô nhiễm môi trường nước sau 7 năm thí điểm. Thành phố giao Sở Xây dựng và Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty trực thuộc UBND thành phố, 100% vốn nhà nước) phối hợp thực hiện.
Ông Chung, với cương vị là người đứng đầu thành phố, đã đề nghị Công ty Watch Water (Đức) nghiên cứu chế phẩm Redoxy-3C để làm sạch nước ao hồ cho Hà Nội. Ông mong muốn đây là sản phẩm độc quyền của thành phố và Watch Water sau đó đồng ý bán giá "ưu đãi" 8,5 euro một kg.
Sau khi thử nghiệm 100 kg chế phẩm đầu tiên, ông Chung chỉ đạo miệng Tổng giám đốc Võ Tiến Hùng "giao mua chế phẩm Redoxy-3C qua Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic".
Cựu chủ tịch thành phố bị cáo buộc ban hành thông báo đàm phán mua độc quyền chế phẩm từ Đức nhưng lại chỉ đạo ông Hùng không mua trực tiếp với giá ưu đãi, mà mua thông qua Arktic.
Công ty Arktic do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung) thành lập, góp 5 tỷ đồng nhưng để Giang cùng một người khác đứng tên.
Trong quá trình xử lý ô nhiễm nước tại các sông, ông Chung bị xác định đã lợi dụng quyền hạn của Chủ tịch thành phố tạo điều kiện cho Công ty Arktic của gia đình mua bán chế phẩm. Ông cho Giang tham gia xuyên suốt quá trình thử nghiệm, mua bán chế phẩm như một cán bộ của thành phố.
Chế phẩm Redoxy-3C được sản xuất theo đơn đặt hàng của Hà Nội nhưng sau đó Công ty Watch Water lại ký văn bản thoả thuận để Công ty Arktic phân phối độc quyền. Năm 2016-2019, theo chỉ đạo và được ông Chung tạo điều kiện, Arktic đã nhập khẩu hơn 489.000 kg chế phẩm Redoxy-3C với chi phí hơn 115 tỷ đồng. Arktic bán lại cho Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội giá hơn 151 tỷ đồng.
"Hành vi mua bán lòng vòng của hai công ty khiến Hà Nội bị thiệt hại hơn 36 tỷ đồng", cáo trạng nêu.
Theo cáo trạng, bị can Hùng phải thực hiện mua chế phẩm theo chỉ đạo của UBND thành phố. Tuy nhiên thực hiện chỉ đạo của ông Chung, ông Hùng trực tiếp chỉ đạo nhân viên dưới quyền ký 15 hợp đồng mua chế phẩm với Công ty Arktic nên để xảy ra các sai phạm. Trong khi đó, thành phố chưa phê duyệt đơn giá và phương án đặt hàng chế phẩm.
Bị can Giang là đồng phạm với ông Chung, có mối quan hệ thân thiết với gia đình. Giang tham gia mua bán lòng vòng phần vốn góp của Arktic để che giấu hành vi phạm tội của bản thân và ông Chung. Giang còn sử dụng tiền của Arktic để tặng quà và tài trợ cho một số cơ quan theo yêu cầu của ông Chung.
Quá trình điều tra, Hùng và Giang được VKS ghi nhận thành khẩn khai nhận.
Đây là vụ án thứ hai ông Chung bị xét xử. Tháng 12/2020, cựu chủ tịch Hà Nội bị phạt 5 năm tù do chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước liên quan Công ty Nhật Cường.
Vụ án thứ ba, mới ra cáo trạng, ông bị truy tố với cáo buộc can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26,5 tỷ đồng.